Rối loạn Stress Cấp là gì? Dấu hiệu nhận biết và điều trị
Rối loạn stress cấp thường chỉ xuất hiện trong khoảng 1 tháng sau những chấn thương tâm lý, nếu không nhanh chóng điều trị nó có thể để lại nhiều hệ lụy nguy hiểm. Tuy nhiên may mắn là căn bệnh này hoàn toàn có thể biến mất hoàn toàn nếu áp dụng việc chăm sóc đúng cách.
Rối loạn Stress cấp là gì?
Rối loạn stress cấp có tên khoa học là Aute Stress Disorder (ASD) là trạng thái suy sụp, tổn thương tinh thần diễn ra ngay sau các sự kiện chấn thương tâm lý. Các triệu chứng do ASD thường chỉ xảy ra trong vòng 1 tháng, nếu người bệnh có hướng chăm sóc bản thân tốt, nâng cao tinh thần thì trạng thái ổn định sẽ dần quay trở lại mà không cần điều trị.
Bất cứ ai sau khi gặp các sự kiện sang chấn đều có thời gian cảm thấy đau đớn tinh thần, stress nặng. Tuy nhiên tùy những trải nghiệm, tinh thần của mỗi người mà các phản ứng khác nhau. Những người có thần kinh mạnh có thể vượt qua nhanh chóng nhưng với những người đã có thần kinh yếu, có những suy nghĩ tiêu cực sẽ không thể chấp nhận được hiện thực.
Thống kê cho thấy tỷ lệ mắc bệnh ở người lớn là 5 – 20%. Bệnh kéo dài ít nhất 3 ngày và kết thúc trước 1 tháng. Nếu sau 1 tháng tâm lý người bệnh vẫn chưa ổn định, trạng thái đau khổ suy sụp vẫn tiến diễn thì sẽ gây ra rối loạn stress sau sang chấn (PDST).
Triệu chứng rối loạn stress cấp
Những người rối loạn stress cấp thường xuyên hồi tưởng về quá khứ, về sự kiện diễn ra gây sang chấn, trốn tránh hiện thực và luôn trong tình trạng căng thẳng, dễ bị kích động. Tình trạng này làm thay đổi hoàn toàn tính cách của bệnh so với trước khiến chính những người xung quanh cũng bất ngờ.
Các dấu hiệu bệnh điển hình bao gồm
- Liên tục hồi tưởng về quá khứ, thậm chí cả trong giấc mơ cũng có những hồi tưởng về những sự kiện gây chấn thương. Các hồi tưởng này có thể được kích thích ở cả các sự vật có liên quan ở hiện tại, chẳng hạn như người bị tai nạn giao thông khi qua đường có thể cảm thấy sợ hãi khi chuẩn bị qua đường.
- Rối loạn giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, thường gặp ác mộng và giật mình tỉnh giấc
- Thờ ơ, tách biệt, không có cảm xúc, không quan tâm đến con người hay môi trường xung quanh
- Ngày càng có những suy nghĩ tiêu cực u ám, không tìm thấy niềm vui xung quanh
- Tránh né hoặc trở nên nhạy cảm khi nhắc về các sự kiện chấn thương hay có liên quan đến các sự kiện này
- Cảm giác mất đi một phần quan trọng trong trí nhớ có liên quan đến sự kiện
- Né tránh những địa điểm, sự vật, hình ảnh có liên quan đến chấn thương
- Dễ giật mình
- Mất tập trung, uể oải, tăng sự cảnh giác
- Dễ bị kích thích tức giận thái quá, đặc biệt khi nhắc về các sự kiện trong quá khứ
- Cảm thấy sững sờ, giống như trái đất đang đứng yên
Bệnh còn được đặc trưng bởi các dạng
- Tri giác sai thực tại (Derealization): Bệnh nhân mất nhận thức với không gian thời gian hoặc có cảm giác như thế giới không có thực, mơ hồ
- Giải thể nhân cách (depersonalization): Bệnh nhân cảm thấy các sự kiện vừa xảy ra không liên quan đến họ mà là trải nghiệm của người khác và cố gắng thuyết phục bản thân tin vào điều này.
- Rối loạn quên phân ly (dissociative amnesia): Một dạng nhỏ của rối loạn phân ly, trong đó người bệnh có thể làm mất một phần hoặc quên đi toàn bộ các sự kiện sang chấn. Các phần ký ức mất đi thường là những ký ức quan trọng nhất.
Các triệu chứng bất thường của bệnh nhân rất dễ nhận biết, do đó phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp loại bỏ bệnh nhanh chóng hơn.
Nguyên nhân rối loạn stress cấp
Chấn thương tâm lý chính là nguyên nhân gây bệnh. Hiện chưa có bất cứ nghiên cứu khoa học nào có thể lý giải vì sao cùng 1 sự kiện diễn ra những đáp ứng của từng người lại khác nhau. Tùy vào tính chất và độ nghiêm trọng của sự kiện mà mức độ tổn thương, sang chấn ở bệnh nhân là khác nhau, ngoài ra còn phụ thuộc vào mức độ chịu đựng tâm lý của người bệnh.
Theo thống kê, các nguyên nhân gây ASD chủ yếu bao gồm
- Tai nạn xe cơ giới (chiếm 13 – 21%)
- Chấn thương sọ não nhẹ (chiếm 14%)
- Bị hành hung (chiếm 16 – 19%)
- Bỏng (chiếm 10%)
- Tai nạn công nghiệp ( chiếm 6 – 12%)
- Bị tấn công hoặc lạm dụng tình dục ( chiếm 15%)
- Chứng kiến cảnh nổ súng, khủng bố hàng loạt ( chiếm 33%)
- Ở trẻ em, ASD có thể không phải là sự kiện bị xảy ra với chính bản thân mà có thể là sự chứng kiến những sự kiện đau thương với người khác hay với chỉnh những người thân thiết trong gia đình.
Bên cạnh đó, các yếu tố làm tăng nguy cơ gây bệnh hoặc gây bệnh ở mức độ trầm trọng cao hơn bao gồm
- Mức độ nghiêm trọng của chấn thương về mặt thể chất lẫn tinh thần
- Thương tích thân thể liên quan
- Tính khí cơ bản của người bệnh ( tiêu cực hay tích cực) và sự hỗ trợ của gia đình
- Tình trạng kinh tế xã hội, người có đời sống khó khăn thường dễ trầm trọng hơn
- Khó khăn trong thời thơ ấu
- Rối loạn chức năng của gia đình
- Tình trạng thiểu số, người sống đơn độc, không có gia đình
- Tiền sử tâm thần gia đình
Các nghiên cứu cho rằng, các sự kiện sang chấn cứ luôn lặp đi lặp lại trong tâm trí bệnh nhân làm kích thích giao cảm cực độ khiến hệ thần kinh tiết ra norepinephrine và epinephrine – các hormone này càng làm củng cố những sự kiện chấn thương trong tâm trí. Bên cạnh đó việc tăng tiết catecholamin và cortisol của hệ thống giao cảm và nồng độ serotonin giảm cũng là tác nhân gây ra các căng thẳng thần kinh kéo dài.
Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn stress cấp
Theo Cẩm nang chẩn đoán và thống kê về các rối loạn tâm thần DSM-5 cho biết bệnh nhân được chẩn đoán là rối loạn stress cấp khi có trên 3 triệu chứng dưới đây, đã kéo dài trên 2 ngày và dưới 30 ngày. Các triệu chứng chẩn đoán tiêu chuẩn bao gồm
- A. Bệnh nhân đã bị phơi nhiễm với sang chấn tâm lý. Bệnh nhân đã trải nghiệm, đối mặt hay chứng kiến khiến họ khiếp sợ, bất lực hoặc có liên quan đến cái chết
- B. Trong thời điểm diễn ra các sự kiện sang chấn hay sau đó, bệnh nhân có 3 hoặc trên 3 các triệu chứng phân ly.
- C. Sự kiện gây sang chấn được trải nghiệm, cảm nhận lại ở người bệnh thông qua suy tưởng, giấc mơ, ảo tưởng, có cảm giác sống trong quá khứ hoặc đau khổ như khi sự kiện đó đang diễn ra
- D. Bệnh nhân né tránh khi có các câu chuyện, sự kiện liên quan hay khơi gợi quá khứ
- E. Có các dấu hiệu lo âu, căng thẳng, dễ bị kích thích rõ rệt
- F. Các dấu hiệu rối loạn được thể hiện rõ rệt trên lâm sàng hoặc xuất hiện các tật chứng liên quan đến nghề nghiệp, xã hội và làm giảm trách nhiệm, khả năng trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Chẳng hạn một số người giải thích về các sự kiện sang chấn để được người khác thông cảm
- G. Thời gian tối thiểu diễn ra triệu chứng là trên hai ngày và thời gian tối đa là 4 tuần
- H. Sang chấn không liên quan đến hậu quả của chất kích thích, gây nghiện hay các bệnh nội khoa, bệnh mãn tính; không đủ để chẩn đoán loạn thần hay rối loạn nhân cách nào khác.
Trong trường hợp bệnh nhân có stress nhưng không đạt đủ yêu cầu của ASD sẽ được chẩn đoán là rối loạn thích nghi. Bên cạnh đó bệnh cũng thường kèm theo các dấu hiệu của trầm cảm hay rối loạn lo âu, rối loạn hành vi nên cần chẩn đoán tại các bệnh viện chuyên khoa tâm thần để đảm bảo cho kết quả chính xác nhất.
Hướng điều trị rối loạn stress cấp
Các triệu chứng bệnh thường diễn ra trong 1 tháng, khá ngắn nên nhiều người thường chủ quan không điều trị. Tuy nhiên thực tế nếu sau đó người bệnh có những biện pháp chăm sóc tinh thần, lấy lại được cân bằng trong cuộc sống, kiểm soát được các căng thẳng thì bệnh vẫn có thể tự khỏi được mà không cần điều trị chuyên môn. Tuy nhiên thường trường hợp này rất ít khi xảy ra.
Tùy từng tình trạng mà bác sĩ sẽ xem xét những phương án điều trị khác nhau, trong đó có sử dụng cả thuốc, trị liệu tâm lý và cần có sự hỗ trợ của gia đình người thân xung quanh để kiểm soát bệnh nhanh chóng.
1. Điều trị y khoa
Việc dùng thuốc hoàn toàn cần thực hiện theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh tuyệt đối không dùng bất cứ loại thuốc nào vì có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân. Việc dùng thuốc sẽ giúp tinh thần người bệnh giữ ở mức ổn định, tránh tình trạng bị kích thích quá mức cũng như đem đến chất lượng giấc ngủ tuyệt vời hơn.
Các loại thuốc được chỉ định phổ biến bao gồm
- Nhóm thuốc bình thần benzodiazepin giúp giảm lo âu, căng thẳng, sợ hãi giúp người bệnh có thể ngủ ngon hơn. Thuốc thường được dùng trong thời gian ngắn để giảm các tác dụng phụ không tốt. Một số thuốc phổ biến như Tranxen 10 mg x 1 – 2 viên/ngày, ; Seduxen 5 – 20mg/ngày; Rivotril 2 mg x 1 viên/ngày.; Lexomil 6 mg x 1- 2 viên/ngày..
- Thuốc tái hấp thu chọn lọc hấp thu serotonin SSRIs dùng khi có xuất hiện các triệu chứng trầm cảm, u uất quá mức để ngăn chặn các hành động tự hủy hoại bản thân
- Thuốc ức chế hệ adrenergic giảm tác dụng của các alpha-1-adrenergic để kiểm soát cơn căng thẳng sau chấn thương và giảm huyết áp. Các thuốc phổ biến như clonidin, guanfacine, prazosin
- Thuốc an thần kinh dùng cho các trường hợp bệnh nhân cảm thấy bị kích động mạnh mẽ
Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý dùng hay tăng/ giảm liều thuốc vì có thể gây ra các tác dụng phụ. Việc dùng các thuốc này có thể kèm theo những tác dụng không mong muốn như buồn ngủ, trạng thái lâng lâng, vì vậy người bệnh nên dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn trong suốt quá trình điều trị để đạt kết quả tốt nhất.
2. Trị liệu tâm lý
Trong bất cứ các bệnh tâm lý nào, trị liệu tâm lý vẫn luôn là biện pháp hàng đầu được bác sĩ hướng tới. Mục đích của trị liệu tâm lý là giúp người bệnh lấy lại tinh thần, hiểu rõ về bệnh tật, xử lý sang chấn và có biện pháp kiểm soát lo lắng phù hợp. Bệnh nhân nên tiếp nhận trị liệu càng sớm càng tốt. Ở những giai đoạn bệnh đầu, bác sĩ cũng thường hướng tới việc trị liệu nhiều hơn là dùng thuốc.
Thông qua các buổi trị liệu, bệnh nhân sẽ vượt ra khỏi cái bóng của quá khứ, dần có những suy nghĩ cảm xúc ổn định hơn, dần trở lại với cuộc sống bình thường. Bác sĩ cũng cố gắng điều chỉnh những hành vi nhận thức của bệnh nhân về trạng thái bình thường. Chẳng hạn ở bệnh nhân bị tai nạn xe máy và không dám đi xe máy, sợ xe máy bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên để thay đổi lối suy nghĩ này.
Bên cạnh đó các bác sĩ tâm lý cũng giúp đỡ người bệnh trong các biện pháp làm kiểm soát căng thẳng lo lắng, hướng người bệnh đến đời sống tích cực lạc quan hơn. Việc điều trị có thể kéo dài ngay cả sau khi các triệu chứng đã biến mất để ngăn ngừa nguy cơ tái phát trở lại.
3. Các phương pháp hỗ trợ tại nhà
Bên cạnh việc uống thuốc hay trị liệu tâm lý, người bệnh còn cần phải kết hợp với việc điều trị, chăm sóc tại nhà để đem lại kết quả tốt nhất. Người bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh hơn, hướng đến những điều lạc quan tích cực nhất để nhanh chóng loại bỏ bênh tật. Cụ thể, tham khảo các phương pháp sau đây
- Các bác sĩ bệnh nhân rối loạn stress cấp nên tăng cường luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày cải thiện sức khỏe đồng thời giải tỏa căng thẳng áp lực một cách lành mạnh
- Học các kiểm soát cảm xúc, bình tĩnh hơn thông qua yoga
- Tránh xa việc tìm đến bia rượu, thuốc lá hay các chất kích thích
- Ngủ sớm hơn và dậy sớm hơn
- Đọc sách, nghe nhạc, nhảy nhót đều là những cách giải tỏa căng thẳng tuyệt vời
- Bổ sung dinh dưỡng để phục hồi thể lực bị suy nhược do stress
- Thực hành các bài tập hít sâu, thư giãn đã được bác sĩ trị liệu hướng dẫn
- Viết nhật ký nếu không muốn nói ra
- Tập thiền giúp rèn luyện sự tập trung, thanh lọc tâm trí và loại bỏ những điều tiêu cực
- Gặp gỡ bạn bè, thể hiện tình yêu thương cùng gia đình
- Đi du lịch
Bên cạnh đó gia đình cùng cần tham gia vào việc hỗ trợ quá trình điều trị. Người nhà cần tránh nhắc tới các sự kiện đau thương hoặc có những hành vi, lời nói làm bệnh nhân gợi nhớ về những sự kiện ấy. Hãy luôn động viên, an ủi, xoa dịu trái tim đang bị tổn thương, tuy nhiên đừng tạo cho họ cảm giác nặng nề hay bị thương hại.
Nếu sức khỏe của bệnh nhân không quá trầm trọng, hãy cùng họ tham gia các hoạt động giải trí, vui chơi để họ nhanh chóng quy trở lại với nhịp sống bình thường.
Các rối loạn stress cấp dù chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng nhưng cũng có thể gây ra rất nhiều hệ lụy trầm trọng. Người bệnh cần nhanh chóng tiến hành trị liệu tâm lý để “cởi bỏ” những gánh nặng tâm lý. Yêu thương chính bản thân mình và chăm sóc sức khỏe tinh thần nhiều hơn là cách hạn chế nguy cơ mắc bệnh này mà mỗi người nên thực hiện từ ngay bây giờ.
Có thể bạn quan tâm
- Các Rối Loạn Liên Quan Đến Stress bạn nên đề phòng
- Mẹo giảm căng thẳng stress ngay tức thì bạn nên bỏ túi
- Top 10 viên uống giảm stress được đánh giá tốt hiện nay
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!