Thiên kiến nhận thức (Cognitive bias) là gì? 16 loại phổ biến
Thiên kiến nhận thức là một yếu tố xuất hiện trong quá trình suy nghĩ và lập luận của con người. Yếu tố này ảnh hưởng đến hành động và quyết định của chúng ta trong mọi trường hợp, và có thể gây ra những ảnh hưởng xấu. Nói một cách đơn giản, thiên kiến nhận thức là tập hợp những suy nghĩ sai lầm dường như được mặc định trong não. Hãy cùng tìm hiểu cụm từ này trong bài viết dưới đây.
Thiên kiến nhận thức (Cognitive bias) là gì?
Thiên kiến nhận thức (cognitive bias) là những sai lệch hệ thống trong cách mà chúng ta suy nghĩ, đánh giá và đưa ra quyết định. Những thiên kiến này có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta xử lý thông tin, từ đó đưa ra những quyết định không hoàn toàn hợp lý hoặc dựa trên cảm xúc và suy nghĩ cá nhân thay vì dữ liệu khách quan. Đây là những hiện tượng phổ biến trong tâm lý học và nghiên cứu hành vi.
Thiên kiến nhận thức là một yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng nhìn nhận vấn đề và tư duy logic của con người. Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta phải đưa ra quyết định dựa trên hệ thống những thông tin sẵn có trong não. Tuy nhiên vì có quá nhiều thông tin, chúng ta có xu hướng đi lối tắt đến kết luận, và bỏ qua nhiều thông tin quan trọng cần thiết để nhận thức vấn đề một cách đúng đắn.
Thiên kiến nhận thức hiểu đơn giản là những sai sót trong hệ thống thông tin, khiến ta không thể đưa ra những suy nghĩ và quyết định khách quan và chính xác dựa trên những trải nghiệm và sự kiện đã có. Đây là những suy nghĩ gây nhiễu tư duy, và ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin. Nói đơn giản, bộ não của chúng ta có những điểm yếu nhất định, và ta không khách quan trong cách nhìn nhận mọi việc.
Ví dụ, thiên kiến nhận thức có thể khiến chúng ta suy diễn một câu nói theo chiều hướng hoàn toàn ngược lại với mục đích của người nói. Ta cũng sẽ mặc định một niềm tin sai lầm và đúng đắn, và tìm mọi cách để xác định suy nghĩ đó là đúng. Ngoài ra, cách ta ghi nhớ và nhận xét một sự kiện, cũng như kể lại việc đã xảy ra cũng bị ảnh hưởng bởi thiên kiến. Đây được gọi là hiệu ứng Rashomon.
Có một điều cần làm rõ là nhiều người bị nhầm lẫn giữa thiên kiến nhận thức và ngụy biện logic. Hai khái niệm này từ bản chất đã có sự khác biệt. Ngụy biện logic là việc đưa ra những lập luận sai lầm, vi phạm những quy tắc cốt lõi trong tư duy logic, và cố tính dẫn dắt và đánh lừa người nghe, cung cấp những thông tin sai sự thật. Ngụy biện logic là một hành động cố ý và có tính toán.
Trong khi đó, thiên kiến nhận thức bắt nguồn từ quá trình trình tiếp nhận và xử lý suy nghĩ thông tin trong não. Thiên kiến nhận thức khiến chúng ta nhìn nhận thế giới qua một bộ lọc riêng, từ đó dẫn đến việc thiếu chính xác khi đưa ra quyết định. Khi quyết định đưa ra không dựa trên sự kiện thực tế mà phụ thuộc vào nhận thức và kinh nghiệm bản thân, ta sẽ rơi vào thiên kiến nhận thức. Thiên kiến nhận thức là một hành động trong vô thức.
Những yếu tố tạo ra thiên kiến nhận thức
Những định kiến, hay thiên kiến làm chúng ta đưa ra quyết định một cách nhanh chóng khi chưa suy xét rõ vấn đề. Thực tế là trong nhiều trường hợp, chúng ta không đủ thời gian để xử lý toàn bộ thông tin. Do đó giải pháp nhanh chóng nhất là dựa trên những cái sẵn có để đưa ra quyết định. Quyết định dựa trên thiên kiến là điều bình thường ở con người, nhưng nó lại ảnh hưởng đến sự phát triển của tư duy logic và tư duy phản biện.
Thiên kiến nhận thức xuất hiện và hình thành theo sự phát triển của con người. Ngày nay, đây là một chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của những nhà tâm lý học, xã hội học, và kinh tế học hành vi. Mục đích là tìm hiểu và giải thích những quyết định và hành động của con người khi đối mặt với vấn đề. Thiên kiến hình thành dựa trên những trải nghiệm cá nhân và quá trình xử lý thông tin của não. Do đó chúng thường bị chi phối bởi:
- Khả năng xử lý thông tin của não: Quá trình thu nhập, tổng hợp, xử lý thông tin và đưa ra kết luận là một quá trình dài và phức tạp. Không phải lúc nào chúng ta cũng có đủ thời gian và sự bình tĩnh để phân tích sự việc một cách cặn kẽ, mà cần đưa ra quyết định ngay. Vào lúc này thì lỗi hệ thống thông tin sẽ thay ta đưa ra kết luận dựa trên trải nghiệm cá nhân. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tính khách quan của vấn đề, và khiến thiên kiến nhận thức ngày càng khắc sâu.
- Quá trình thu thập và truy xuất thông tin: Trong nhiều trường hợp, chúng ta tự tin vào trí nhớ của bản thân đến mức không nhận ra rằng, những gì mình nhớ không phản ánh đúng sự thật. Việc tiếp nhận và xử lý thông tin rất dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như cảm xúc cá nhân, sự chủ quan và thiên vị cho một sự vật nào đó. Những yếu tố này sẽ hình thành thiên kiến nhận thức, khiến ta đi vào một lối mòn suy nghĩ. Trí nhớ cũng sẽ bị bóp méo và thay đổi theo hướng sai lầm.
- Ảnh hưởng của cảm xúc và quan niệm đạo đức: Sự thiên vị, cảm xúc yêu thích hay chán ghét, cùng với quan niệm đạo đức cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến thiên kiến nhận thức. Chúng khiến ta dễ dàng bỏ qua tính chất của sự kiện, mà chỉ nhìn nhận dựa trên những trải nghiệm cá nhân. Sự khác biệt trong quan niệm sống, hay khác biệt văn hóa cũng ảnh hưởng đến việc ta nhìn nhận sự việc có khách quan hay không.
- Định kiến xã hội: Bản thân định kiến xã hội là một dạng thiên kiến nhận thức. Từ bé đến lớn, chúng ta trong vô thức đã không ít lần nghe qua những định kiến như “đàn ông là trụ cột gia đình”, “phụ nữ phải ở nhà nội trợ”, hay những câu chuyện phân biệt vùng miền gay gắt. Những định kiến này tác động đến suy nghĩ, và khiến ta luôn vô thức lấy chúng làm thước đo để đánh giá mọi việc.
- Ảnh hưởng từ mạng xã hội: Ngày nay mạng xã hội đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ. Những thông tin được lan truyền trên mạng ngày này qua ngày khác với tần số cao có thể tạo thành những ấn tượng nhất định. Từ đó, hình thành nhiều thiên kiến nhận thức hơn, ảnh hưởng đến khả năng phán đoán và suy nghĩ logic của chúng ta.
Có thể thấy rõ ràng, thiên kiến nhận thức có những ảnh hưởng nhất định đến khả năng phán đoán và suy luận của chúng ta. Do đó điều ta cần làm là giảm thiểu ảnh hưởng của chúng đến suy nghĩ và cách ta phản ứng với vấn đề. Từ đó không tạo ra những phán đoán và quyết định sai lầm ảnh hưởng đến sự khách quan của sự việc. Có như vậy, những quyết định đưa ra sẽ khách quan và đúng đắn hơn.
Ảnh hưởng của thiên kiến nhận thức
Thiên kiến nhận thức xuất hiện rất thường xuyên và rõ ràng, góp phần tạo nên nhiều hiệu ứng tâm lý quen thuộc như hiệu ứng Barnum, hiệu ứng Dunning-Kruger, hiệu ứng Zaigarnik,… Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy những dấu hiệu của thiên kiến này trên chính bản thân và những người xung quanh nếu chịu khó quan sát. Một số dấu hiệu phổ biến có thể kể đến bao gồm:
- Bạn chỉ quan tâm theo dõi những thông tin theo hướng tích cực, tiêu cực, hoặc phù hợp với nhận thức của bản thân về một chủ đề nào đó. Thiên kiến nhận thức trong tình huống này khiến bạn tránh đi những thông tin không phù hợp hoặc trái với suy nghĩ và niềm tin của bản thân.
- Bạn cho rằng thành công của người khác phần nhiều là dựa vào may mắn và những yếu tố hỗ trợ. Trong khi đó, thành công của bản thân là do bạn tự tạo nên. Trên thực tế, bạn chỉ dựa vào trải nghiệm và định kiến cá nhân để đưa ra nhận định, chứ không hề có thông tin, hay bằng chứng xác thực rằng người khác thành công do những yếu tố bên ngoài. Bạn không chấp nhận được sự tài giỏi của người khác, thay vào đó, bạn nâng bản thân mình lên.
- Bạn cho rằng bản thân mình đúng trong mọi trường hợp. Dù có là lỗi của bản thân, bạn cũng sẽ tự động xem nhẹ chúng và tìm kiếm lỗi lầm từ phía còn lại. Về cơ bản, bạn không phải là người chịu trách nhiệm chính. “Chúng ta đều là nạn nhân trong câu chuyện của chính mình”, đây là câu nói có thể khái quát chính xác nhất tình huống này.
- Bạn liên tục đổ lỗi cho những người liên quan, cho những yếu tố bên ngoài (thời tiết, đường sá, nhà cửa, con cái, công việc,…) nếu mọi việc không đi theo ý muốn. Khi đổ lỗi cho những điều kiện (có vẻ) khách quan, bạn sẽ giảm cảm giác tội lỗi, và có thể phủi sạch trách nhiệm.
- Bạn tin rằng mọi người dường như đang chống lại bạn. Những ý kiến bạn đưa ra không hề nhận được phản hồi tốt từ số đông. Bạn có năng lực nhưng không được công nhận, mọi người dương như ghen tị và cô lập bạn.
Trên đây là những biểu hiện dễ thấy nhất mà thiên kiến tác động lên suy nghĩ và hành vi của con người. Ta có thể thấy rõ trong nhiều trường hợp, thiên kiến nhận thức mang đến những suy nghĩ sai lệch về bản chất của hiện tượng. Tuy nhiên, nếu nhìn theo một hướng tích cực, thiên kiến đôi khi cũng giúp ta thích nghi tốt hơn với những tình huống bất ngờ bằng cách ra quyết định thật nhanh.
Ví dụ khi đi vào những khu vực tối, yên tĩnh, hoặc từng có những vụ việc không hay xảy ra, chúng ta sẽ sinh ra một cảm giác không an toàn. Thiên kiến khiến ta cho rằng vùng không gian tối ẩn chứa nguy hiểm, có thể đe dọa đến sự an toàn của bản thân. Vì thế, bạn chọn cách đi đường khác, và điều này có thể cứu mạng chúng ta trong gang tấc. Nếu phía trước thật sự nguy hiểm, thiên kiến nhận thức đã cứu bạn một mạng.
Từ ví dụ này chúng ta có thể kết luận, thiên kiến không phải lúc nào cũng mang ý nghĩa tiêu cực. Một số thiên kiến khiến ta phán đoán sai lầm, nhưng có những thiên kiến mang đến giá trị tích cực. Quan trọng là ta cần hạn chế những ảnh hưởng của thiên kiến xấu, và nhìn nhận sự việc một cách cẩn thận hơn.
16 loại thiên kiến nhận thức thường gặp
Theo thống kê từ nhiều nguồn, có hơn 170 loại thiên kiến nhận thức khác nhau. Trong số đó có nhiều thiên kiến là những hiệu ứng tâm lý rất thường gặp trong đời sống. Thực tế, chúng ta bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những thiên kiến nhưng bản thân lại không nhận ra. Dưới đây là một số thiên kiến thường gặp và quen thuộc mà bạn có thể nhìn thấy rõ ràng ở bản thân và những người xung quanh:
- 1. Thiên kiến xác nhận: Con người có khuynh hướng thích nghe ngóng, và tin tưởng vào những thông tin xác nhận niềm tin và giải thuyết của họ. Ví dụ nếu bạn cho rằng táo tốt cho sức khỏe, bạn sẽ để ý và thích những bài báo, tin tức nói về tác dụng tốt của táo. Đồng thời bạn cũng tỏ thái độ thờ ơ hoặc bài xích với thông tin trái chiều. Chúng ta thu thập và ghi nhớ thông tin một cách có chọn lọc, có xu hướng thiên vị theo một góc nhìn nhất định, và bài xích những điều khác.
- 2. Thiên kiến thông tin: Chúng ta cho rằng thu thập và lưu trữ càng nhiều thông tin càng tốt. Nhưng thực tế phần lớn trong số chúng là vô dụng và không có giá trị tham khảo. Những thông tin này hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyết định hay điều ta cần làm. Không phải lúc nào có nhiều thông tin cũng là điều tốt.
- 3. Hiệu ứng mỏ neo: Ấn tượng đầu tiên, hoặc thông tin được cung cấp đầu tiên sẽ định hình suy nghĩ của chúng ta. Thiên kiến này rất dễ khiến ta đi vào ngõ cụt trong tư duy, và không thể nhìn nhận vấn đề theo hướng đúng đắn. Việc phụ thuộc quá nhiều vào thông tin sẵn có ban đầu (mỏ neo) khiến ta định hình tư duy và góc nhìn. Đến khi ta mặc định rằng những thông tin đó là đúng (thả neo) thì suy nghĩ sẽ hoàn toàn chệch hướng.
- 4. Hiệu ứng Bandwagon: Niềm tin dành cho một sự việc sẽ tăng lên khi càng có nhiều người tin tưởng vào chúng, hoặc có hành động giống nhau. Đây là một dạng thiên kiến nhận thức liên quan đến hiệu ứng đám đông có thể sử dụng trong tâm lý học và kinh doanh. Ví dụ, bạn đang ngồi trong một căn phòng, và xung quanh đều là những người đang ngồi. Nhưng rồi đột nhiên, mọi người lần lượt đứng lên mà không có lý do cụ thể. Thấy vậy, bạn cũng sẽ đứng lên theo, dù bạn không có ý định làm hành động này. Bạn tin rằng mọi người đứng dậy là có lý do, và bạn nên làm theo.
- 5. Thiên kiến điểm mù: Con người luôn thiên vị bản thân, do đó chúng ta không nhìn ra những thiên kiến bản thân áp đặt lên sự vật và sự việc. Ví dụ bạn sẽ ưu ái những người thân thiết, quan tâm đến những người có cùng suy nghĩ và thế giới quan, hoặc nhận xét mọi thứ dựa trên góc nhìn phiến diện của bản thân. Bạn không nhận ra điều này và luôn cho rằng bản thân đánh giá mọi thứ rất công bằng.
- 6. Thiên kiến tiêu cực: Những trải nghiệm tiêu cực ảnh hưởng đến chúng ta nhiều hơn so với những trải nghiệm tích cực. Thiên kiến nhận thức này là lý do chúng ta chỉ nhìn nhận những cái nhìn tiêu cực về sự việc, về thế giới mà không chú ý đến những điều tích cực xung quanh. Thiên kiến này cũng khiến chúng ta ghi nhớ những sai lầm và điều không tốt ở người khác, hơn là điểm tốt của họ.
- 7. Thiên kiến hối hận: Chúng ta không dám đưa ra quyết định, hoặc chần chừ không quyết vì lo sợ có thể hối hận về sau. Ví dụ giá vàng đang giảm nên bạn quyết định mua vàng, nhưng bạn vẫn chần chừ chờ giá vàng hạ tiếp vì sợ lỗ khi mua vàng giá cao. Một thời gian sau, vàng lên giá và bạn lại hối hận vì không mua vàng khi giá còn thấp. Thực tế, không có bất cứ lựa chọn nào là tối ưu nhất, mà chúng chỉ phù hợp với thời điểm nhất định. Thiên kiến hối hận khiến ta đánh mất cơ hội đưa ra quyết định trong thời điểm phù hợp.
- 8. Hiệu ứng đà điểu: Thái độ né tránh những thông tin tiêu cực bằng cách vờ như chúng không tồn tại được gọi là hiệu ứng đà điểu. Bằng cách giả vờ xem như chúng không tồn tại, ta có thể tự lừa dối bản thân rằng những điều tiêu cực không ảnh hưởng đến bản thân. Nguyên nhân sinh ra hiệu ứng này thường là cái tôi quá lớn của bản thân, tâm lý sợ thất bại, hoặc không muốn chấp nhận sự thật.
- 9. Thiên kiến ủng hộ lựa chọn: Bạn sẽ luôn có cái nhìn tốt và tích cực về lựa chọn bản thân đưa ra, dù trên thực tế hoặc trong mắt người khác, lựa chọn của bạn rất tệ và không hề tối ưu. Ví du bạn thích một chiếc váy, bạn sẽ nhin thấy rất điều ưu điểm ở chúng. Bạn cảm thấy đây là một chiếc váy tuyệt vời và bản thân rất phù hợp. Nhưng thực tế, chiếc váy không phù hợp với vóc dáng hay làn da của bạn.
- 10. Thiên hướng đổi mới: Sự đổi mới luôn đi kèm với những rủi ro không thể đoán trước. Đổi mới có thể thành công rực rỡ, hoặc thất bại thảm hại tùy theo tình hình cụ thể. Tuy nhiên khi đề xuất sự đổi mới, chúng ta thường chỉ nhìn vào những mặt tốt và hữu ích của vấn đề, mà đánh giá thấp những rủi ro và điểm hạn chế của chúng. Thiên kiến nhận thức này khiến ta xem nhẹ những tác động xấu của sự việc.
- 11. Định kiến khuôn mẫu: Định kiến khuôn mẫu khiến ta đánh giá sự vật, sự việc, và con người theo những quy chuẩn chung, chứ không nhìn nhận sự khác biệt của từng cá nhân. Ví dụ, người Việt Nam luôn hiếu khách, người Đức không quan tâm đến những người xung quanh, người Hàn thích ăn kim chi,… Chúng ta quy chụp rằng những người có cùng quốc tịch, cùng chủng tộc, cùng năm sinh, cùng thế hệ, cùng cung hoàng đạo,… sẽ thể hiện những hành động và nét tính cách giống nhau. Tuy nhiên trên thực tế, con người là độc lập và không ai giống ai.
- 12. Ảo tưởng kiểm soát: Ảo tưởng kiểm soát khiến ta tự tin rằng mình có thể cưỡng lại những cám dỗ. Con người đánh giá quá cao sự tự chủ của bản thân trước những cảm dỗ của cuộc sống. Ví dụ, bạn tự hứa với lòng sẽ làm xong bài tập, nhưng rồi không thể cưỡng lại cảm giác mệt mỏi và buồn ngủ nên bạn quyết định đi nghỉ ngơi. Bạn vào siêu thị dự định chỉ đi dạo chứ không mua đồ linh tinh, nhưng rồi lại trở ra với chiếc túi căng phồng đầy hàng hóa.
- 13. Nhận thức có chọn lọc: Chúng ta không thể tiếp nhận quá nhiều thông tin cùng lúc. Do đó não bộ sẽ tự động chọn lọc những thông tin mà trong tiềm thức ta cho rằng chúng quan trọng để lưu trữ và xử lý. Thiên kiến nhận thức này khiến ta chỉ thu nhận một lượng thông tin phiến diện, đôi khi rất một chiều và dẫn đến những sai lầm trong quá trình phán đoán. Nhận thức có chọn lọc khiến chúng ta dễ dàng bỏ qua những thông tin quan trọng và thật sự cần thiết.
- 14. Hiệu ứng Dunning-Kruger: Hiệu ứng Dunning-Kruger là hiện tượng chúng ta đánh giá quá cao năng lực của bản thân trong một khía cạnh nào đó, dù ta chưa hiểu hết mọi thứ về chúng. Tình trạng này dễ thấy nhất trong quá trình học tập. Khi còn ở cấp thấp, chúng ta được tiếp nhận những kiến thức cơ bản. Nhưng khi học cao hơn, những kiến thức từng học không còn phản ánh đúng vấn đề, mà ta cần nghiên cứu kỹ hơn về bản chất của chúng. Càng học, chúng ta càng nhận ra bản thân không biết gì. Và sự tự tin chỉ trở lại khi ta đạt đến một mức độ kiến thức nào đó.
- 15. Quá khứ màu hồng: Chúng ta thường than thở rằng “ngày nay không bằng ngày xưa” và luôn nhớ về quá khứ với thái độ tích cực hơn. Việc nhìn nhận quá khứ qua lăng kính màu hồng, và bỏ qua những trải nghiệm không tốt thường xuất hiện khi ta phải đối mặt với những khó khăn, hay gặp chuyện không vui trong cuộc sống. Thiên kiến nhận thức này có thể khiến ta có cái hình phiến diện và đánh giá sai sự việc.
- 16. Hiệu ứng IKEA: Hiệu ứng IKEA được lấy từ tên của một một hãng sản xuất nội thất của Thụy Điển, nơi nổi tiếng với sản phẩm tự lắp ráp, mang đến trải nghiệm riêng cho người dùng. Hiệu ứng IKEA thể hiện khi chúng ta đánh giá cao, và sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn cho những sản phẩm có sự góp sức của bản thân trong quá trình tạo thành. Áp dụng hiệu ứng IKEA để kích thích mua hàng là một mánh khóe được nhiều doanh nghiệp áp dụng.
Ngoài những thiên kiến được đề cập trên đây, vẫn còn rất nhiều những thiên kiến nhận thức khác trong đời sống. Mặc dù chúng ta trong vô thức khó tránh khỏi việc bị ảnh hưởng bởi những thiên kiến này, nhưng tìm cách hạn chế ảnh hưởng của chúng đến suy nghĩ cũng là điều cần thiết. Càng hạn chế những tác dụng có hại của thiên kiến nhận thức, ta càng tránh được những sai lầm không mong muốn.
Cách thoát khỏi thiên kiến nhận thức
Cách tốt nhất để vượt qua thiên kiến nhận thức là chấp nhận chúng. Chúng ta cần phải nhìn thẳng vào sự thật rằng ta luôn thiên vị bản thân, hoặc những người thân quen, trong mọi tình huống. Chỉ khi biết bản thân sẽ nghiêng về yếu tố nào, ta mới có cách để cân bằng lựa chọn, và nhìn nhận sự việc khách quan hơn. Xác định thiên kiến ảnh hưởng ra sao đến suy nghĩ của chúng ta giúp giảm tác động xấu một cách hiệu quả.
Bạn cũng nên xem xét những vấn đề của bản thân một cách khách quan hơn, và tiếp thu những ý kiến đóng góp một cách có chọn lọc. Hãy suy nghĩ về những ý kiến tích cực hoặc tiêu cực nhưng có tính xây dựng, và bỏ ngoài tai những lời châm chọc hướng đến bản thân. Hãy xem kỹ bản thân đã bỏ qua những thông tin gì, xem bản thân có đang phủ định những điều đúng đắn chỉ vì chúng không phù hợp suy nghĩ.
Việc chấp nhận những thiếu sót của bản thân sẽ giúp bạn thoát khỏi những ảnh hưởng của thiên kiến nhận thức. Ngoài ra, cũng nên rút kinh nghiệm từ những tình huống trong quá khứ. Bạn cần xem xét bản thân phạm sai lầm ở đâu, bằng cách nào. Từ đó, ta sẽ tìm ra cách hạn chế những vấn đề tương tự. Những sai lầm trong quá khứ sẽ không bị lặp lại nếu ta chịu nhìn nhận chúng.
Chúng ta cũng nên học cách nghi ngờ những quyết định của bạn thân. Liệu điều chúng ta tin tưởng hoàn toàn đúng? Liệu còn những vấn đề gì mà ta chưa nghĩ đến hay không? Đừng bao giờ chấp nhận mọi thứ mà hãy học cách hoài nghi có cơ sở để phát triển tư duy. Điều này giúp chúng ta suy nghĩ đúng hướng và hạn chế sai lầm. Chúng ta cũng có thể thay đổi một số thành kiến cố hữu nếu chịu nỗ lực thay đổi bản thân.
Cô gắng nhìn nhận vấn đề theo nhiều quan điểm cũng là một giải pháp tốt. Chúng ta hãy đừng nhìn nhận mọi thứ theo cảm quan cá nhân, và những ấn tượng có sẵn. Tham khảo ý kiến và suy nghĩ của những người xung quanh về cùng một sự kiện có thể đưa đến những góc nhìn mới mẻ và chính xác hơn. Điều này cũng giúp ta hạn chế sự tự tin của bản thân, tránh việc vì tự cao mà ảnh hưởng đến suy nghĩ.
Con người không tránh khỏi những sai lầm trong nhận thức và hành vi. Do đó chúng ta nên giữ thái độ học hỏi và không ngừng tiếp thu những cái mới. Hãy luôn tự nhủ rằng bạn không phải là người biết tất cả, và bạn còn có rất nhiều điều cần xem xét và học hỏi từ những người xung quanh. Bên cạnh đó, nên giữ thái độ tích cực phù hợp khi nhìn nhận sực việc, tránh việc chỉ chú ý và những điều tiêu cực.
Thiên kiến nhận thức (cognitive bias) là một phần tất yếu trong cuộc sống của con người. Vì thế, ta không có cách nào xóa bỏ tác động của chúng đến suy nghĩ và tư duy của bản thân. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế những ảnh hưởng xấu mà chúng mang đến, hoặc tận dụng những thiên kiến này trong các chiến dịch quảng cáo, trong việc điều trị tâm lý, hoặc nhiều ứng dụng khác trong cuộc sống một cách phù hợp.
Có thể bạn quan tâm
- Hiệu ứng tắc kè hoa (Chameleon) và mánh khóe trong giao tiếp
- Hiệu ứng người ngoài cuộc và thái độ bàng quan trong cuộc sống
- Hiệu ứng Pygmalion: Bí quyết trong giáo dục và quản lý nhân sự
- Hiệu ứng đà điểu: Tâm lý né tránh những thông tin tiêu cực
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!