Trầm cảm khi đi du học – Nỗi lòng những người con xa xứ
Trầm cảm khi đi du học hiện đang là nỗi ám ảnh của không ít du học sinh cũng như gia đình của các em. Bởi ở nơi xa xứ, ngoài những trải nghiệm tuyệt vời thì du học sinh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, áp lực cả trong cuộc sống lẫn trong việc học.
Trầm cảm khi đi du học – Nguyên nhân đến từ đâu?
Khi nói đến du học, nhiều người thường nghĩ ngay đến những sự vinh quang, hào nhoáng và những cơ hội đang rộng mở phía trước. Trong thực tế, việc đi du học mang đến rất nhiều các lợi ích, nó chính là cơ hội quý báu để chúng ta có thể tiếp cận được nền văn hóa hiện đại, trau dồi thêm nhiều kiến thức và phát triển bản thân tốt hơn.
Tuy nhiên, bất kỳ một vấn đề nào cũng có cả 2 mặt của nó. Bên cạnh những lợi ích, những điều thuận lợi thì du học sinh cũng phải đối diện với rất nhiều khó khăn, cản trở tại nơi xứ người. Việc phải bắt đầu cuộc sống tại một vùng đất mới bắt buộc du học sinh phải dần học cách thích nghi, hòa nhập với cách sống, các nền văn hóa mới.
Những khó khăn, những sự cô đơn tại đất khách khiến cho nhiều du học sinh phải rơi vào tình trạng căng thẳng, stress hoặc thậm chí là trầm cảm. Dựa vào số liệu thống kê nhận thấy, có đến gần 25% các du học sinh ở nhiều nước khác nhau như Mỹ, Úc, Anh, Pháp bị trầm cảm và đã từng có suy nghĩ tự sát.
Trong một diễn đàn chia sẻ về sức khỏe và rối loạn tâm lý với sự góp mặt của hơn 16.000 người, trong đó có rất nhiều các du học sinh của nhiều nước. Phần lớn các du học sinh đã chia sẻ về những khó khăn, mệt mỏi về tâm lý của bản thân trong quá trình đi du học, có rất nhiều các trường hợp đã từng đối mặt với trầm cảm vì nhiều lý do khác nhau.
Cụ thể một số nguyên nhân thường được nhắc đến đối với tình trạng trầm cảm khi đi du học như:
1. Do không thích nghi được với môi trường mới
Điều khó khăn đầu tiên khi bước chân đến một đất nước xa lạ mà phần lớn ai cũng gặp phải đó chính là cảm giác cô đơn và bỡ ngỡ trước những cách sinh hoạt, lối sống mới. Mỗi quốc gia sẽ có những cách nét văn hóa và cách sống riêng không phải ai cũng có thể hòa nhập tốt được.
Sẽ thật khó khăn nếu bạn bắt đầu đi du học ở một đất nước không có cùng nét văn hóa và có không ít các trường hợp du học sinh cảm thấy vô cùng mệt mỏi, bế tắc khi không thể thích nghi. Khi không thể hòa nhập tốt với môi trường sống mới, bạn sẽ dễ cảm thấy cô đơn và lạc lõng, cảm giác bản thân như người thừa thãi.
Điều này sẽ dần khiến bạn mất đi các kết nối với mọi người xung quanh, khó có thể bắt kịp những xu hướng mới hoặc không thể giao tiếp một cách tự tin với bạn bè. Những rào cản này có thể chỉ xuất hiện và tồn tại trong khoảng thời gian đầu nhưng cũng có nhiều người mãi không thể thích ứng và dần trở nên tách biệt, cô độc lâu ngày dẫn đến stress, trầm cảm.
2. Rào cản về ngôn ngữ
Rào cản ngôn ngữ là một trong các lý do phổ biến gây nên chứng trầm cảm khi đi du học. Để có thể đậu tuyển đi du học ở bất kỳ đất nước nào thì bạn cần phải có ngôn ngữ của nước đó hoặc các ngôn ngữ cơ bản để giao tiếp tốt, chẳng hạn như tiếng Anh.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, có những trường hợp du học sinh cầm bằng chứng chỉ ngoại ngữ với điểm số cao nhưng vẫn không thể hòa nhập và tham gia vào các cuộc hội thoại của người bản địa. Theo chia sẻ của các du học sinh thì việc học tập so với thực tế đôi khi có những sự chênh lệch và khác biệt nhất định.
Có thể bạn đã thông thạo được các ngôn ngữ khác nhau để sẵn sàng cuộc sống mới tại nước bạn. Tuy nhiên, đôi lúc bạn vẫn không thể hiểu và trò chuyện được với những người nói giọng địa phương. Thực tế cho thấy có rất nhiều các du học sinh phải bắt đầu học lại ngôn ngữ mới hoặc điều chỉnh ngôn ngữ để có thể hòa nhập tốt với những người bạn mới.
Việc sinh sống, học tập và làm việc tại một môi trường mới nhưng không thể nói chuyện, chia sẻ với những người xung quanh chính là lý do lớn nhất khiến nhiều người cảm thấy lạc lõng, cô đơn và buồn bã. Thậm chí có những người nghĩ rằng việc đi du học là một quyết định sai lầm của bản thân và họ liên tục chìm đắm vào những suy nghĩ tiêu cực đó.
3. Khó khăn về tài chính
Không chỉ đơn giản là kiến thức, kỹ năng mà tài chính cũng là một trong các yếu tố quan trọng và vô cùng cần thiết đối với các du học sinh. Rời xa vòng tay bảo bọc của bố mẹ để đến một đất nước mới bạn phải tự biết cách quản lý và chi tiêu phù hợp để không phải lâm vào cảnh khó khăn, thiếu hụt tài chính.
Dù rằng tất cả các trường hợp du học sinh đều đã nỗ lực để có thể chuẩn bị một khoản tài chính để trang trải tốt cho thời gian học tập, phát triển tại nước ngoài. Tuy nhiên, cũng có không ít các trường hợp gia đình khó khăn nên du học sinh phải tự tìm cách kiếm tiền, lo cho cuộc sống vừa học vừa làm.
Việc liên tục suy nghĩ về các áp lực sinh hoạt, ăn ở, mua sắm, học tập sẽ khiến cho nhiều du học sinh cảm thấy vô cùng mệt mỏi và chán chường. Thậm chí có những trường hợp gia đình khá giả, có điều kiện chu cấp đều đặn nhưng vì một biến cố nào đó dẫn đến khó khăn về tài chính cũng có thể khiến cho nhiều người suy sụp và dẫn đến trầm cảm.
4. Chương trình học quá nặng
Không chỉ là những khó khăn về tài chính, quá trình hòa nhập mà các chương trình học tập tại những trường quốc tế cũng chính là một trong những nỗi lo lắng lớn của các du học sinh. Nhiều người chia sẻ rằng, phương pháp giảng dạy của các giáo sư tại Anh, Pháp, Mỹ hoặc các nước tiên tiến dường như khác hẳn so với Việt Nam hoặc các nước lân cận, điều này khiến cho nhiều học sinh cảm thấy hoang mang và không thể bắt kịp các bạn cùng lớp.
Ở nước ta, có nhiều gia đình có điều kiện nên luôn cố gắng tạo cơ hội để con cái được gia nhập và học tập tại các nước hiện đại, phát triển. Hoặc cũng có một số học sinh do “lười” thi đại học nên muốn tìm đến một đất nước khác để được trải nghiệm hoặc thậm chí có những em nghĩ rằng khi đến một nơi mới, rời xa sự quản lý của bố mẹ thì em có thể được tự do và thoải mái hơn.
Tuy nhiên, trong thực tế, các chương trình dành cho du học sinh thường sẽ khó và cần có sự nỗ lực, cố gắng rất nhiều. Nam (18 tuổi) đã từng được bố mẹ cho đi du học tự túc tại Anh và chia sẻ rằng: “Em đã từng bị khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng sau đợt kiểm tra đầu tiên sau khi đi du học. Kết thúc kỳ thi em đã sụt cân rất nhiều, người đờ đẫn, mệt mỏi và được chẩn đoán bị trầm cảm mức độ nhẹ”.
Chuyện thức khuya để cố gắng ôn bài, hoàn thành bài vở cũng là câu chuyện thường gặp ở nhiều du học sinh. Nhiều em chia sẻ vì sợ thua kém với bạn bè, sợ bị tụt lại phía sau, sợ bị đuổi học nên các em phải cố gắng ngày đêm để có thể theo kịp chương trình học nên đôi lúc cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng tột độ.
5. Kỳ vọng quá nhiều từ người thân, gia đình
Sự kỳ vọng quá lớn từ gia đình, cha mẹ cũng có thể là nguyên nhân khiến gây nên tình trạng trầm cảm khi đi du học. Tại nước ta, phần lớn những người đi du học đều được gắn “mác” học giỏi, tài năng và có con đường tương lai rộng mở. Thậm chí nhiều gia đình, dòng họ còn lấy chuyện đi du học của con cháu để trở thành những câu chuyện khoe khoang, làm hãnh diện cả gia tộc.
Chính những điều này khiến cho nhiều du học sinh cảm thấy vô cùng áp lực và mệt mỏi. Họ phải liên tục nỗ lực và cố gắng để học tập, để đạt được những thành tựu vẻ vang mang đến niềm tự hào cho cha mẹ, gia đình. Cố gắng tỏ ra mình là người học thức, hiểu biết để xứng đáng với danh hiệu du học sinh tại các trường nổi tiếng tại nước ngoài.
Một cựu học sinh tại trường đại học Harvard từng nói rằng, bản thân cảm thấy vô cùng vui sướng khi được học tại ngôi trường danh tiếng hàng đầu trên toàn thế giới nhưng đây cũng chính là áp lực to lớn. Những sự kỳ vọng và những lời ca tụng của những người xung quanh khiến áp cảm thấy bản thân càng phải cố gắng nhiều hơn.
Tuy nhiên, khi trượt một kỳ thi tại trường, em đã có ý định tự tử vì cảm thấy vô cùng xấu hổ trước những người đã đặt niềm tin vào mình. Em cảm thấy bản thân trở thành “tội đồ” và không dám đối diện với những người xung quanh, không muốn nghe những lời nói từ bất kỳ ai.
6. Trầm cảm khi đi du học vì nhớ nhà
Chắc hẳn ai đã từng xa quê, sống xa nhà đều đã trải qua cảm giác nhớ nhà da diết và mong ngóng được quay về chốn quen thuộc, gặp gỡ những người thân thiết. Đây cũng chính là nỗi lòng của rất nhiều du học sinh, cảm giác nhớ nhà, muốn được thưởng thức những món ăn quê nhà luôn là một thách thức khó vượt qua.
Đặc biệt là đối với những thời gian đầu chưa thể thích nghi tốt với môi trường mới, chưa có nhiều mối quan hệ thân thiết sẽ khiến cảm giác nhớ nhà càng trở nên mãnh liệt. Nhiều người trong vài tháng đầu tiên xa quê liên tục buồn bã, chán nản hoặc khóc lóc một mình khiến tinh thần càng trở nên tiêu cực, mệt mỏi.
Tuy nhiên, cảm giác nhớ nhà thường chỉ xuất hiện trong thời gian đầu hoặc trong những lúc khó khăn, yếu lòng và bạn sẽ dễ dàng vượt qua được điều đó. Vì thế, hãy cố gắng vượt qua những cảm xúc của mình để có thể tập trung vào việc học, nỗ lực tìm kiếm con đường tương lai tươi sáng cho bản thân.
7. Sự phân biệt đối xử
Sự phân biệt đối xử của người bản địa chính là nỗi lo lắng và cũng là nguyên nhân có thể gây trầm cảm khi đi du học. Đối với các ngôi trường quốc tế, việc có nhiều du học sinh đến từ nhiều quốc gia với những màu da, ngôn ngữ khác nhau là đều không thể tránh khỏi.
Trong thực tế, không phải bất kỳ quốc gia nào cũng có sự đối xử không công bằng đối với các du học sinh nhưng việc từ một đất nước xa xôi đến sinh sống và theo học tại một đất nước mới ít nhiều cũng sẽ đối diện với những ánh nhìn dò xét, tò mò của mọi người xung quanh. Nếu không may mắn trở thành nạn nhân của tình trạng phân biệt chủng tộc, các du học sinh sẽ ít nhiều cảm thấy buồn bã và sốc tâm lý.
Theo chia sẻ của các chuyên gia cho biết rằng, những ảnh hưởng và hệ quả của phân biệt chủng tộc thậm chí còn nguy hiểm và tồi tệ gấp nhiều lần so với bạo lực học đường. Mặc dù hiện nay thế giới đã cởi mở hơn và có những cách đối phó tốt với nạn phân biệt chủng tộc nhưng đâu đó vẫn còn sự kỳ thị giữa người da đen và người da màu, người châu Á và người châu Âu.
Các du học sinh có thể bị chế giễu, miệt thị hoặc thậm chí là bắt nạt, ức hiếp khi đến trường. Thậm chí, một số giáo viên cũng tỏ thái độ xem thường, luôn tìm cách chì chiết các học sinh ngoài nước khiến cho nhiều du học sinh cảm thấy mệt mỏi, ngột ngạt và dần sinh ra những trạng thái tâm lý bất ổn, phổ biến nhất là trầm cảm.
Dấu hiệu nhận biết du học sinh đang bị trầm cảm?
Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm thần nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều hệ lụy nghiêm trọng nếu không được phát hiện và can thiệp từ giai đoạn sớm. Tuy nhiên, đối với cuộc sống của du học sinh thì việc phải đối mặt với những khó khăn, thử thách là điều không thể tránh khỏi.
Do đó, cũng có không ít các trường hợp chủ quan, nhầm lẫn giữa việc mệt mỏi, chán nản, chênh vênh, cô đơn thông thường với những triệu chứng mà trầm cảm gây ra. Điều này gây nên nhiều sự cản trở đối với quá trình can thiệp và điều trị bệnh, thậm chí gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với cuộc sống, sức khỏe hoặc thậm chí là đe dọa đến tính mạng.
Vì thế, cần phân biệt rõ ràng về các trạng thái buồn chán thông thường và các biểu hiện của trầm cảm khi đi du học để dễ dàng phát hiện và can thiệp kịp thời. Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp ở các du học sinh mắc bệnh trầm cảm.
- Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, buồn chán, uể oải, u sầu.
- Không có động lực làm bất cứ điều gì, không còn hứng thú, hấp dẫn bởi tất cả các hoạt động vui chơi, học tập diễn ra xung quanh dù trước đây đã từng rất yêu thích.
- Dễ mất tập trung, suy giảm khả năng chú ý.
- Khó khăn trong việc đưa ra các lựa chọn, quyết định hàng ngày dù là nhỏ nhặt, đơn giản.
- Cảm xúc thay đổi bất thường, có khi nhạy cảm quá mức, thường xuyên khóc lóc nhưng cũng có lúc nóng tính, giận dữ, cáu gắt dữ dội.
- Rối loạn giấc ngủ, phần lớn sẽ cảm thấy khó ngủ, ngủ không sâu giấc, hay mơ gặp ác mộng hoặc buồn ngủ liên tục, ngủ li bì.
- Thói quen ăn uống cũng bị đảo lộn, chán ăn, ăn không ngon miệng hoặc thèm ăn, ăn mất kiểm soát gây ảnh hưởng đến cân nặng.
- Thiếu năng lượng, luôn trong trạng thái lờ đờ, mệt mỏi.
- Cho rằng bản thân là người vô dụng, bất tài.
- Có xu hướng né tránh việc giao tiếp, tương tác với mọi người xung quanh và thu mình lại, tự ti về bản thân.
- Xuất hiện các suy nghĩ tiêu cực, bi quan về cuộc sống, nghĩ về cái chết và có ý định muốn tự sát.
Các biểu hiện của trầm cảm khi đi du học có thể khác nhau tùy vào nguyên nhân, mức độ nặng nhẹ của bệnh. Nếu nhận thấy bản thân hoặc những người thân bên cạnh có các dấu hiệu nêu trên và kéo dài dai dẳng trong tối thiểu 6 tháng thì hãy chủ động tiến hành thăm khám và chẩn đoán tại các bệnh viện, cơ sở chuyên khoa để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất.
Trầm cảm – Kẻ thù của du học sinh
Trầm cảm được xem là kẻ thù nguy hiểm của hầu hết các du học sinh và nó có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào. Trầm cảm vốn dĩ là một căn bệnh đáng sợ có thể gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với người bệnh và trầm cảm khi đi du học còn đáng sợ hơn gấp nhiều lần.
Cũng bởi, tại nơi đất khách quê người, không có người thân, bạn bè bên cạnh sẽ khiến cho con người càng trở nên cô đơn, mệt mỏi và tuyệt vọng. Trầm cảm nếu không được sớm phát hiện và có biện pháp can thiệp phù hợp sẽ dần gây ra những hệ lụy khó lường đối với sức khỏe, đời sống của người bệnh.
Những người mắc phải chứng rối loạn tâm thần này khó có thể tự kiểm soát cảm xúc của bản thân, họ liên tục rơi vào trạng thái trầm tư, mơ hồ và không có niềm tin, hứng thú với cuộc sống bên ngoài. Những du học sinh mắc phải các vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt là trầm cảm sẽ dần bị sa sút nghiêm trọng về mặt sức khỏe và cả khả năng học tập.
Họ khó có thể tập trung vào việc học hoặc thậm chí bỏ bê việc học tập, không muốn làm hoặc tham gia bất kỳ hoạt động nào tại trường. Rất nhiều các trường hợp du học sinh bị trầm cảm dần sa sút về kết quả học tập, lâu ngày có nguy cơ bị đuổi học và trở nên bế tắt về cuộc sống.
Bên cạnh đó, trầm cảm lâu ngày còn khiến cho người bệnh dần mất đi khả năng và nhu cầu tự chăm sóc cho bản thân. Họ thường xuyên bỏ bê các nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi hàng ngày khiến cho cơ thể dần bị suy kiệt, suy giảm sức đề kháng và có nguy cơ mắc phải các vấn đề sức khỏe khác.
Nhiều người bệnh trầm cảm còn có xu hướng tránh né việc tiếp xúc với mọi người xung quanh, họ dần chìm đắm trong những suy nghĩ tiêu cực, tồi tệ của chính bản thân mình, lâu dần hình thành các hành vi không phù hợp. Trầm cảm nặng có thể khiến cho bệnh nhân tự làm tổn thương bản thân hoặc tự sát để giải thoát cho chính mình.
Cách kiểm soát và vượt qua trầm cảm khi đi du học
Như đã chia sẻ, các triệu chứng của trầm cảm khi đi du học biểu hiện khá cụ thể nhưng dễ bị nhầm lẫn với các trạng thái tâm lý buồn chán thông thường. Vì thế, để có thể sớm phát hiện các bất ổn về mặt tâm lý, du học sinh nên thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ để có thể nắm rõ hơn về tình trạng sức khỏe và nguy cơ trầm cảm của bản thân.
Nếu được chẩn đoán mắc phải các giai đoạn trầm cảm, trước tiên bạn cần phải giữ sự bình tĩnh và trao đổi trực tiếp với chuyên gia để có biện pháp can thiệp phù hợp. Ở mỗi quốc gia sẽ có các phương pháp hỗ trợ điều trị riêng biệt cho người bệnh trầm cảm, phổ biến nhất hiện nay là kết hợp giữa trị liệu tâm lý cùng với quá trình kiểm soát bằng thuốc chống trầm cảm.
Bên cạnh việc thực hiện tốt các phương pháp can thiệp của chuyên gia thì người bệnh cũng cần tìm cách tự kiểm soát cảm xúc, hành vi, thay đổi lối sống, cách sinh hoạt để vượt qua trầm cảm, ổn định tâm trạng tốt hơn. Sau đây là một số lời khuyên hữu ích dành cho các du học sinh đang mắc bệnh trầm cảm.
- Thừa nhận việc bản thân đang bị trầm cảm và mạnh mẽ để đối mặt, vượt qua những bất ổn về mặt tâm lý, tinh thần. Bạn nên hiểu rằng, trầm cảm không phải là một căn bệnh đáng xấu hổ và bạn hoàn toàn có thể đánh bại nó.
- Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn và chăm chút cho bản thân nhiều hơn. Ví dụ như nếu bạn đang đi làm thêm quá nhiều thì hãy thử bỏ bớt một vài công việc nhưng vẫn đảm bảo được mức thu nhập vừa đủ. Điều này có thể khiến cho tài chính của bạn không được dư giả nhưng bạn sẽ có thêm thời gian để reset lại bản thân.
- Tìm kiếm các hoạt động vui chơi hoặc bất cứ điều gì có thể giúp bạn giải tỏa cảm xúc. Bạn có thể khóc thật to để quên đi những phiền muộn và tống khứ những ưu phiền ra bên ngoài. Hoặc tìm kiếm cho bản thân những sở thích mới, những đam mê mới như vẽ tranh, ca hát, chăm sóc cây cảnh, thú cưng để tâm trạng trở nên ổn định hơn.
- Thường xuyên vận động cơ thể, tập luyện thể dục thể thao cũng là một trong các giải pháp hữu hiệu giúp cải thiện chứng trầm cảm khi đi du học. Theo nhiều nghiên cứu chuyên khoa nhận thấy rằng, việc để cơ thể vận động lành mạnh sẽ giúp sản sinh ra hàm lượng hormone tạo hạnh phúc, giảm căng thẳng và chống lại trầm cảm hiệu quả.
- Mỗi ngày 30 phút thiền định sẽ giúp cho tâm trạng của bạn trở nên nhẹ nhàng và dễ chịu hơn. Đồng thời, nó cũng giúp bạn cải thiện tốt giấc ngủ, nâng cao sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, phòng chóng các bệnh lý nguy hiểm khởi phát.
- Chia sẻ, tâm sự nhiều hơn với bạn bè, người thân. Cuộc sống xa nhà luôn đầy ấp những khó khăn nên bạn đừng ngần ngại chia sẻ điều đó với những người bên cạnh hoặc gia đình ở xa. Hãy luôn giữ liên lạc và bày tỏ các cảm xúc, tâm tư của mình để nhận được nhiều sự động viên và cổ vũ từ chính những người thân yêu.
- Viết nhật ký cũng là một hoạt động hiệu quả đối với người bệnh trầm cảm, đặc biệt là các du học sinh xa nhà. Đôi lúc bạn không thể chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ của bản thân bằng lời nói thì hãy đặt bút viết ra những tâm tư của bản thân, bộc bạch với từng trang giấy trắng để lòng trở nên nhẹ nhàng và thoải mái hơn.
- Nếu các triệu chứng trầm cảm dần trở nên nghiêm trọng, tốt nhất hãy tạm dừng việc học lại để có thể điều trị dứt điểm được chứng trầm cảm. Hoặc nếu có thể hãy quay trở về quê nhà, đôi lúc sự đoàn tụ với người thân chính là liều thuốc hữu hiệu cho tâm hồn đang đứt gãy của bạn.
Hơn thế, sự động viên, hỗ trợ từ xa của gia đình, người thân cũng là một trong những điều cần thiết góp phần cải thiện trầm cảm ở các du học sinh. Gia đình nên thường xuyên liên lạc, động viên và chia sẻ nhiều hơn để các em cảm nhận được tình yêu thương từ người thân và có thêm nhiều động lực để cố gắng, phấn đấu.
Trầm cảm khi đi du học là một trong các vấn đề sức khỏe tâm thần thường gặp ở nhiều du học sinh. Mong rằng qua những chia sẻ trong bài viết này, bạn đọc có thể hiểu và biết cách vượt qua trầm cảm để có thể tiếp tục theo đuổi những ước mơ, đam mê và hoài bão của mình trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
- 7 Lời khuyên cho người trầm cảm rất hữu ích
- Tập thể dục giúp ngăn ngừa và chữa trầm cảm hiệu quả
- Trầm cảm do mạng xã hội – Thực trạng đáng báo động ở giới trẻ
- Trầm cảm tuổi học đường: Căn bệnh đáng báo động hiện nay
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!