Tự nói chuyện một mình có phải dấu hiệu của bệnh tâm lý?
Tự nói chuyện một mình có thể giúp rèn luyện trí não, giảm căng thẳng, tăng khả năng tập trung và phán đoán. Tuy nhiên, đôi khi đây cũng là dấu hiệu của các bệnh lý tâm thần.
Tự nói chuyện một mình liệu có bình thường?
Ngoài việc trò chuyện với ai đó, không ít người có thói quen tự nói chuyện một mình. Họ nói chuyện trong đầu hoặc bộc lộ suy nghĩ bằng lời nói. Đây được gọi là độc thoại qua lời nói hoặc độc thoại nội tâm.
Thực hành nói chuyện một mình không hẳn là dấu hiệu bất thường. Thậm chí đây là thói quen được khuyến khích thực hiện thường xuyên. Khi tự chuyện trò, bản thân sẽ hình thành động lực ở bên trong để đối mặt và vượt qua áp lực.
Thông qua độc thoại, bạn sẽ hiểu hơn về chính mình, nhìn nhận vấn đề đang đối mặt để tìm ra cách giải quyết. Thay vì chìm đắm trong cảm xúc tiêu cực, đây là cách gỡ rối những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống.
Các chuyên gia tâm lý đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về lợi ích của thói quen tự nói chuyện với chính mình. Nghiên cứu cho thấy, thói quen này mang đến vô số lợi ích.
Trong đó phải kể đến rèn luyện tư duy phản biện, giảm căng thẳng, gia tăng khả năng tập trung, tăng động lực,… Nhìn chung, tự nói chuyện một mình có thể cải thiện sức khỏe tinh thần một cách toàn diện.
Khi nào tự nói chuyện một mình là dấu hiệu bất thường?
Trong một số trường hợp, hành vi tự nói chuyện một mình có thể là dấu hiệu bất thường. Hành vi này là phản xạ không thể kiểm soát do các rối loạn bên trong não bộ.
Sự mất cân bằng của nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh, và bất thường trong giải phẫu của não bộ khiến cho khả năng tư duy (nhận thức), giao tiếp, xử lý,… của bệnh nhân bị rối loạn.
Ranh giới giữa thói quen lành mạnh với hành vi bất thường rất mong manh. Để kịp thời thăm khám và điều trị, cần nhận ra sự bất thường thông qua các dấu hiệu sau:
1. Không thể kiểm soát suy nghĩ, lời nói của bản thân
Dấu hiệu bất thường đáng chú ý là không thể kiểm soát lời nói, suy nghĩ của bản thân. Thực tế khi độc thoại, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát dòng suy nghĩ, lời nói của mình một cách dễ dàng.
Tuy nhiên với những người có vấn đề tâm lý, não bộ bị rối loạn nên khả năng này sẽ bị ảnh hưởng. Các dòng suy nghĩ cứ xuất hiện liên tục chi phối mạnh mẽ đến cảm xúc, hành vi.
Người bệnh có thể nói năng một cách mất kiểm soát. Nội dung câu nói thường là những câu nói vô nghĩa, ngữ pháp lộn xộn, ngôn ngữ kỳ lạ.
2. Cảm xúc bất ổn
Ở khía cạnh tích cực, tự nói chuyện một mình giúp giải tỏa căng thẳng. Tuy nhiên, nếu trò chuyện với chính mình khiến cho cảm xúc trở nên bất ổn hơn, cần phải xem xét đến những vấn đề bất thường đi kèm.
Thông thường khi trải qua những biến cố trong cuộc sống, tinh thần sẽ trở nên bất ổn. Người chịu ảnh hưởng mất một thời gian khá dài mới có thể hồi phục. Những người sức khỏe tinh thần tốt sẽ hồi phục nhanh chóng hơn
Cảm xúc bất ổn đi kèm với hành vi tự nói chuyện một mình là dấu hiệu đáng chú ý. Bản thân người bệnh có thể không nhận ra những triệu chứng bất thường. Gia đình, bạn bè nên quan sát và hỗ trợ bệnh nhân phát hiện sớm vấn đề.
3. Thường xuyên gặp ảo giác, hoang tưởng
Ảo giác, hoang tưởng là những triệu chứng tâm thần thường gặp. Ảo giác có thể là những âm thanh, hình ảnh, cảm giác không có thật, nhưng được người bệnh nhìn thấy, cảm nhận một cách rõ ràng.
Nhiều người nghe thấy âm thanh văng vẳng bên tai và đáp lại. Vì vậy, nếu nhận thấy người thân/bạn bè tự nói chuyện một mình như đang đáp lại ai đó, hãy khuyên họ đến gặp bác sĩ trong thời gian sớm nhất.
Ngoài ra, một dấu hiệu khác cũng cần chú ý đó là hoang tưởng. Hoang tưởng được hiểu là niềm tin sai lầm, hình thành một cách vô lý không dựa trên cơ sở logic và các sự kiện bình thường.
Người bệnh có niềm tin rất mãnh liệt về suy nghĩ của mình. Họ không bao giờ thay đổi, dù được những người xung quanh giải thích, đưa ra bằng chứng xác đáng.
Tự nói chuyện một mình đi kèm với ảo giác và hoang tưởng là biểu hiện của các rối loạn tâm thần. Ảo giác, hoang tưởng để kéo dài sẽ ảnh hưởng sức khỏe thể chất, và gây suy sụp tinh thần.
4. Đi kèm với nhiều triệu chứng thể chất
Tự nói chuyện một mình sẽ là bất thường nếu đi kèm với các triệu chứng thể chất như đau đầu, mất ngủ, rối loạn kinh nguyệt, suy nhược, chán ăn hoặc ăn uống mất kiểm soát, thiếu năng lượng,…
Những biểu hiện này “tố cáo” sức khỏe tâm thần đang gặp phải vấn đề bất thường. Do đó, nên xem xét thăm khám để được chẩn đoán và can thiệp điều trị kịp thời.
Xem thêm: 10 Dấu hiệu Tâm lý bất ổn và Cách giúp bạn thoát khỏi hiệu quả
Các vấn đề tâm lý liên quan đến tình trạng tự nói chuyện một mình
Tự nói chuyện một mình có thể là tự nói chuyện trong đầu (độc thoại nội tâm) hoặc nói chuyện thành tiếng. Trong một số trường hợp, đây có thể là biểu hiện của các rối loạn tâm lý, tâm thần sau:
1. Trầm cảm
Trầm cảm hiện đang là một trong những vấn đề sức khỏe đáng lo ngại nhất hiện nay. Thống kê cho thấy, có khoảng 5% dân số mắc phải chứng bệnh này.
Trầm cảm là rối loạn cảm xúc đặc trưng bởi trạng thái khí sắc trầm buồn dai dẳng (ít nhất 6 tháng). Người bệnh thường trực cảm giác buồn bã, đau khổ, u uất, dễ xúc động, và đôi khi khóc lóc không rõ nguyên do.
Trầm cảm có thể là bệnh nội sinh, nhưng cũng có thể là kết quả của tổn thương tâm lý. Ở bệnh nhân bị trầm cảm, nồng độ serotonin ở khe synap sụt giảm nghiêm trọng gây ra triệu chứng tâm thần và thể chất.
Sau một thời gian, bệnh sẽ tiến triển nặng và phức tạp hơn. Ngoài khí sắc trầm buồn, bệnh nhân còn có biểu hiện loạn thần với hoang tưởng, ảo thanh, ảo giác,…
Những triệu chứng này chi phối khiến bệnh nhân tự nhốt mình trong phòng và nói chuyện một mình. Đôi khi là tiếng cầu xin, khóc lóc, rên rỉ vì nghe thấy tiếng buộc tội.
Ngoài ra, bệnh nhân trầm cảm còn mất ngủ, tăng cân/ giảm cân đột ngột, giảm trí nhớ, khả năng tập trung, rối loạn kinh nguyệt, đau đầu,…
2. Rối loạn hoang tưởng
Sức khỏe tinh thần chi phối rõ rệt đến cảm xúc và khả năng suy nghĩ. Những người tự nói chuyện một mình nhưng không thể kiểm soát lời nói rất có thể mắc phải chứng rối loạn hoang tưởng.
Rối loạn hoang tưởng đặc trưng bởi các hoang tưởng dai dẳng chi phối đến suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của người bệnh. Tình trạng thường gặp là hoang tưởng bị hại, hoang tưởng ghen tuông, hoang tưởng được yêu, hoang tưởng tự cao,…
Bệnh nhân có xu hướng lẩm bẩm một mình, nói những điều phi lý mà gần như không thể xảy ra. Hoang tưởng khiến cho chất lượng cuộc sống suy giảm, tăng mâu thuẫn trong các mối quan hệ.
Rối loạn hoang tưởng làm giảm khả năng tập trung. Người bệnh bị chi phối bới sự hoang tưởng, không thể hoàn thành tốt công việc như trước.
3. Rối loạn lưỡng cực
Bệnh nhân rối loạn lưỡng cực đôi khi cũng có biểu hiện tự nói chuyện một mình. Rối loạn lưỡng cực hay hưng – trầm cảm diễn biến theo từng giai đoạn, xen kẽ giữa các đợt trầm cảm và hưng cảm.
Trong cơn trầm cảm, bệnh nhân thường tự nói chuyện một mình do bị cảm giác tội lỗi chi phối. Đôi khi, xuất hiện hoang tưởng và ảo giác khiến người bệnh tự nói chuyện như đang đáp trả ai đó.
Ở trạng thái hưng cảm, một số bệnh nhân có xu hướng tự nói chuyện một mình. Có thể hát, làm thơ, đi lại với điệu bộ giống như diễu binh. Người bệnh nói năng lộn xộn do suy nghĩ dồn dập, chuyển chủ đề nhanh chóng.
4. Các rối loạn liên quan đến stress
Stress là một phần tất yếu của cuộc sống. Trước các sự kiện sang chấn mạnh, não bộ sẽ có phản ứng rất mạnh dẫn đến nhiều rối loạn điều chỉnh. Các rối loạn này được gọi chung là rối loạn liên quan đến stress.
Trước sang chấn quá mạnh, tinh thần sẽ khó có thể ổn định. Người gặp phải các rối loạn liên quan đến stress sẽ có biểu hiện “ngây dại”, sững sờ cho đến kích động.
Một số người lẩm bẩm, tự nói chuyện một mình, thường xuyên mơ thấy ác mộng và luôn đề phòng mọi thứ xung quanh. Stress nặng và kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm.
5. Tâm thần phân liệt
Tâm thần phân liệt là rối loạn tâm thần nghiêm trọng với các triệu chứng điển hình như hoang tưởng, ngôn ngữ – tư duy thiếu tổ chức, loạn thần, ảo giác và cùn mòn cảm xúc.
Bệnh nhân cũng có biểu hiện giảm nhận thức, đặc biệt là khả năng đánh giá, lập luận và giải quyết vấn đề.Ở giai đoạn loạn thần, các triệu chứng của tâm thần phân liệt trở nên nghiêm trọng hơn.
Bệnh nhân gần như mất kết nối với thực tại, hành vi vô tổ chức, nói năng bất thường, đôi khi tự nói chuyện một mình. Người bị tâm thần phân liệt thường nói những câu không có ý nghĩa, đôi khi là ngôn ngữ kỳ lạ.
Tự nói chuyện với chính mình – Làm sao để khắc phục?
Bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc điều chỉnh khí sắc,… Mục đích là để cải thiện các triệu chứng tâm thần và thể chất.
Dùng thuốc sẽ được kết hợp với liệu pháp tâm lý. Liệu pháp tâm lý giúp thay đổi cảm xúc, hành vi của người bệnh theo chiều hướng tích cực.
Tùy theo tình trạng cụ thể, chuyên gia sẽ lựa chọn phương pháp trị liệu tâm lý phù hợp. Hiện nay, liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) được đánh giá mang lại hiệu quả cao nhất.
Liệu pháp này mang đến hiệu quã cao nên được sử dụng rộng rãi. Liệu pháo CBT bao gồm nhiều kỹ thuật. Nhà trị liệu sẽ lựa chọn kỹ thuật phù hợp để cải thiện tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân.
Một số trường hợp sẽ phải can thiệp thêm liệu pháp sốc điện và các phương pháp điều trị khác. Thực tế, điều trị các rối loạn tâm thần hiện nay còn nhiều hạn chế.
Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân phải sống chung với bệnh suốt đời. Do đó, ngoài điều trị chuyên sâu, rất cần sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng để bệnh nhân có thể hòa nhập cuộc sống.
Tự nói chuyện một mình đôi khi là dấu hiệu của các bệnh tâm lý, tâm thần. Nếu nhận thấy nhiều triệu chứng bất thường đi kèm, thăm khám và can thiệp điều trị sớm là vô cùng cần thiết.
Có thể bạn quan tâm
- Bệnh hoang tưởng ở người già: Nguyên nhân, dấu hiệu và chữa trị
- Cảm giác bị bỏ rơi khiến con người như rơi xuống vực thẳm
- Tự nhiên cười một mình có bình thường không? Dấu hiệu bệnh gì?
- Hội Chứng Cô Đơn Giữa Gia Đình: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!