Hội chứng kẻ mạo danh: Luôn cảm thấy bản thân không xứng đáng
Hội chứng kẻ mạo danh khiến bạn cảm thấy bản thân không xứng với vị trí hiện tại. Bạn có cảm thấy những thành công của mình không đáng giá, mình không giỏi như những gì người khác nhìn nhận, và bạn lo sợ bị người khác vạch trần sự kém cỏi của mình? Nếu những suy nghĩ này luôn bám riết, khiến bạn trở nên tự ti và căng thẳng thì có lẽ, bạn đang bị anh hưởng bởi hội chứng kẻ mạo danh.
Hội chứng kẻ mạo danh là gì?
Hội chứng kẻ mạo danh không được xem là một rối loạn tâm thần. Đây được xem là một hiện tượng tâm lý gắn với nhận thức và sự tự đánh giá của con người. Hiệu ứng kẻ mạo danh mô tả việc con người luôn nghi ngờ bản thân, không công nhận những thành tích mình đạt được, và sợ hãi việc người khác sẽ vạch trần sự yếu kém của mình.
Ví dụ, bạn vừa kí kết thành công một hợp đồng lớn, nhưng bạn cho rằng tất cả chỉ là do may mắn. Bạn đi phỏng vấn và đậu vào một vị trí tốt, nhưng bạn cho rằng bản thân được nhận chỉ vì công ty thiếu ứng viên. Bạn học giỏi, có năng lực, và có được học bổng, nhưng bạn cho rằng có nhiều người khác giỏi hơn, và bạn không xứng đáng với học bổng đạt được
Đó là những suy nghĩ thường thấy ở những người rơi vào hội chứng kẻ mạo danh. Trong sâu thẳm nội tâm, họ luôn cảm thấy bản chất và năng lực của mình hoàn toàn khác so với đánh giá của người bên ngoài. Bạn tựa như một kẻ mạo danh, khoát lên người lớp da dối trá để lừa gạt mọi người, và bạn cho rắng một ngày nào đó bản thân sẽ bị vạch trần.
Theo một nghiên cứu được công bố trên International Journal of Behavioural Sciences, có hơn 70% dân số sẽ trải qua hội chứng kẻ mạo danh ít nhất 1 lần trong đời, với nhiều mức độ năng nhẹ khác nhau. Suy nghĩ nặng nề và tiêu cực về việc bản thân là kẻ mạo danh có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe tâm thần và hành vi tự hủy hoại bản thân.
Trái ngược với hội chứng kẻ mạo danh là hiệu ứng Dunning–Kruger. Hiệu ứng này cũng khiến con người đánh giá sai khả năng của bản thân, nhưng thay vì hạ thấp năng lực của minh, những người bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng Dunning–Kruger luôn đánh giá bản thân cao hơn so với năng lực thật sự.
Thí nghiệm về hội chứng kẻ mạo danh
Thuật ngữ “hội chứng kẻ mạo danh” được đặt ra bởi hai nhà tâm lý học lâm sàng Pauline Clance và Suzanne Imes vào năm 1978. Trong quá trình làm việc, Pauline Clance nhận ra rằng, rất nhiều sinh viên đại học tìm đến bác sĩ tâm lý với cùng một vấn đề: họ đạt điểm cao và có thành tích tốt, nhưng họ cảm thấy mình không xứng có được những điều này.
Những lo lắng và suy nghĩ tiêu cực này đều vô căn cứ, vì thành tích của họ rõ ràng là rất tốt. Nhưng những người rơi vào tình trạng này vẫ có nhiều lý do chứng minh bản thân không đáng có được kết quả tuyệt vời như vậy như: khâu tuyển sinh có sai sót, đề thi vô tình trúng tủ, điểm cao nhờ sự giúp đỡ của bạn bè trong phần bài nhóm, thầy cô chấm bài dễ,…
Ngay chính bản thân Pauline Clance cũng cảm thấy cô đã từng trải qua cảm giác này khi còn học đại học. Thế nên, cô quyết định làm một cuộc thử nghiệm. Cùng với đồng nghiệp của mình là Suzanne Imes, Pauline Clance bắt đầu nghiêu cứu hội chứng kẻ mạo danh ở nhóm sinh viên, giáo viên, và những người thành công là nữ giới.
Kết quả cho thấy, sự hoài nghi về thành công của bản thân, và suy nghĩ mình là “kẻ mạo danh” xuất hiện rất nhiều ở nhóm đối tượng này. Dù là những sinh viên giỏi hay những người phụ nữ thành đạt trong công việc, những đối tượng này vẫn cảm thấy mình không đủ tốt, không đủ hoàn hảo như “bản thân” trong mắt người khác.
Khi mở rộng phạm vi nghiên cứu hơn, Pauline Clance và Suzanne Imes nhận thấy tình trạng này xảy ra ở mọi giới tính, chủng tộc, độ tuổi, và ngành nghề. Trẻ em thường hoài nghi về kết quả học tập, còn người lớn thì hoài nghi về công việc hay những mối quan hệ. Theo khảo sát, phụ nữ vẫn là đối tượng dễ bị ảnh hưởng và có biểu hiện rõ ràng hơn nam giới.
Việc phụ nữ dễ rơi vào hội chứng kẻ mạo danh hơn đàn ông được cho là xuất phát từ định kiến giới tính. Phụ nữ luôn bị xem là thua kém đàn ông về thể lực, trí thông minh, khả năng phán đoán và xử lý vấn đề trong nhiều tình huống của cuộc sống, trong học tập hay môi trường làm việc. Do đó, phụ nữ thường không có lòng tin về thành công của mình.
Biểu hiện của hội chứng kẻ mạo danh
Biểu hiện dễ thấy nhất của những người rơi vào hội chứng kẻ mạo danh là sự tự phủ định bản thân, cho rằng những thành công mà mình đạt được xuất phát từ những yếu tố bên ngoài. Hãy thử hỏi bản thân xem bạn có đang sở hữu những biểu hiện đặc trưng của hội chứng kẻ mạo danh dưới đây:
- Ban luôn dằn vặt, đau khổ vì những sai sót nhỏ trong học tập hay công việc, và cho rằng bản thân đã gây ra một vấn đề nghiêm trọng
- Bạn phủ định thành công của bản thân, quy kết những thành công có được là do may mắn, do sự hỗ trợ của bạn bè, do những tác động bên ngoài
- Bạn luôn cảm thấy mình kém cỏi hơn những người xung quanh, cho rằng mình không có đủ trình độ so sánh với người khác dù đó là lĩnh vực chuyên môn.
- Bạn đánh giá thấp chuyên môn của bản thân, không có cái nhìn thực tế về thực lực mình đang có
- Bạn nghi ngờ về hiệu suất công việc, cảm thấy mình chưa có được hiệu suất tốt, và đòi hỏi thái quá về sự hoàn hảo
- Bạn lo sợ mình không đạt được mức kỳ vọng bản thân hay những người xung quanh đặt ra
- Bạn đặt mục tiêu cao, thất vọng vì không đạt được mục đích đề ra, sau đó bạn bắt đầu nghi ngờ những thành công mình đạt được có thật sự phản ánh năng lực của bạn hay không
- Bạn cảm thấy bản thân không giỏi giang như người khác đánh giá. Người mà những người xung quanh nhìn thây không phải là bạn, bạn chỉ là một kẻ mạo danh kém cỏi và sẽ nhanh chóng bị vạch trần.
Nếu bạn thấy bản thân có phần lớn những biểu hiện nêu trên, thì có lẽ bạn đang là nạn nhân của hội chứng kẻ mạo danh. Trên thực tế, hội chứng này có cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Xét về mặt tích cực, việc cảm thấy bản thân không đủ tài giói có thể kích thích tinh thần phấn đấu, tạo động lực cho bạn cố gắng nhiều hơn.
Để không bị đánh giá là người kém cỏi, không bị cho là kẻ giả mạo với những thành tích không có thật, bạn sẽ luôn cố gắng nhiều hơn trong công việc và học tập. Đặc biệt với những người có tình cầu toàn, động lực và mục tiêu chứng minh bản thân sẽ khiến họ bỏ nhiều công sức hơn, từ đó nâng cao hiệu quả công việc.
Tuy nhiên đi kèm với tích cực thì cũng không thiếu những vấn đề tiêu cực phát sinh. Việc tự hạ thấp năng lực khiến bạn đánh giá sai lệch trình độ bản thân, cố gắng hoàn hảo một cách không cần thiết. Bạn ngày càng lo âu, mệt mỏi, cảm thấy tự ti vì không thể chấp nhận thành công đang có. Càng làm tốt, bạn lại càng cảm thấy nặng nề và bất lực.
Đặc biệt, nếu nhận được phản hồi tiêu cực từ những người xung quanh, bạn sẽ càng suy sụp và mất lòng tin hơn. Nếu để tình huống này tiếp diễn mà không có phương pháp xử lý, sự tự tin và trạng thái tinh thần của bạn đều chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng, kích thích tình trạng stress, trầm cảm và rối loạn lo âu.
Nguyên nhân gây ra hội chứng kẻ mạo danh
Hội chứng kẻ mạo danh ảnh hưởng đến tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, tuổi tác, hay chủng tộc. Thông qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện ra một số yếu tố có thể thúc đẩy suy nghĩ kẻ mạo danh ở mọi người như cách giáo dục của cha mẹ, định kiến giới hay tính cách tự thân. Mọi người thường bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố.
1. Phương pháp giáo dục gia đình
Tâm lý tự ti, hạ thấp giá trị của bản thân, và không bao giờ hài lòng với thành quả mình có được ở nhiều đối tượng, được cho là xuất phát từ cách giáo dục của gia đình. Những gia đình quá coi trọng thành tích, áp đặt con cái, và thường xuyên so sánh con với bạn bè đồng trang lứa khiến trẻ lớn lên với tâm lý hoài nghi, tự phủ định bản thân.
Những trẻ rơi vào trường hợp này luôn đạt được thành tích tốt, nhưng không bao giờ nhận lại sự khen ngợi, động viên và khẳng định từ cha mẹ. Cha mẹ luôn đòi hỏi những kết quả tốt hơn, đòi hỏi trẻ phải hơn người này người kia, để gia đình nở mày nở mặt. Chính điều này khiến trẻ ngày càng tự ti, cảm thấy bản thân thật thất bại nên mới không được công nhận.
Ngoài ra, những gia đình quá bảo bọc con cái, không cho trẻ cơ hội khám phá, và va chạm với thế giới cũng khiến trẻ không đánh giá đúng thực lực của mình. Nếu tất cả mọi thứ trong cuộc sống đến quá dễ dàng, trẻ sẽ không còn cảm giác thành tựu khi đạt được một cột mốc nào đó.
Trẻ có thể cho rằng bản thân rất bình thường, những nhờ cha mẹ, gia đình, hay những yếu tố bên ngoải tác động thì mới đạt được thành công. Trong khi thực tế, trẻ hoàn toàn có khả năng để hoàn thành mục tiêu. Sự chăm chút quá mức từ gia đình khiến trẻ đánh giá sai lầm về năng lực, cảm thấy bản thân là một kẻ mạo danh.
2. Tiếp xúc với môi trường mới
Hội chứng kẻ mạo danh có thể xuất hiện trong quá trình làm quen với môi trường mới. Khi bắt đầu vào đại học, hay khi bắt đầu một công việc mới, chúng ta khó tránh khỏi cảm giác khó hòa nhập, và không đánh giá đúng năng lực của bản thân. Bạn sẽ cảm thấy bản thân bị “hụt hơi” và không đáp ứng được yêu cầu công việc.
Đây là một tình trạng bình thường khi đi làm, vì người mới chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian đầu, và khó hoàn toàn 100% yêu cầu đặt ra. Nhưng với người bị hội chứng kẻ mạo danh, họ sẽ cảm thấy bản thân không xứng ngồi ở vị trí hiện tại, và nghi ngờ việc tại sao mình lại được tuyển vào.
Một số người cho rằng bản thân là may mắn, là do công ty đang thiếu người nên bản thân mới được nhận, chứ không phải dựa vào thực lực. Bạn cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi áp dụng những kiến thức đã học vào công việc, bởi vì môi trường học thuật và công việc rất khác nhau, chúng ta cần thời gian để tìm hiểu và làm quen.
Những khó khăn này vô tình lại khiến bạn nghĩ mình kém cỏi trong chuyên môn, nhất là khi so sánh với những đồng nghiệp lâu năm bên cạnh. Tình trạng này cũng được nhìn thấy ở những bạn sinh viên, khi các bạn cảm thấy kiến thức chuyên ngành của mình thua kém bạn bè cùng lớp khi phát biểu trong giờ học, hoặc làm bài nhóm.
Hội chứng kẻ mạo danh khiến các bạn cảm thấy mình không xứng đáng ngồi ở vị trí này. Tuy nhiên, những ảnh hưởng sẽ dần giảm xuống khi bạn đã có nhiều kiến thức hơn trong quá trình học tập, và có nhiều kinh nghiệm hơn ở nơi làm việc. Sự lo lắng, tự ti và căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến năng suất học tập và làm việc.
3. Tính cách tự thân
Những người rơi vào hội chứng mạo danh thường cảm thấy xấu hổ vì không đáp ứng được kỳ vọng của người thân và bạn bè, và cảm thấy không xứng đáng với những mối quan hệ đang có. Họ cố gắng hết sức để được công nhận, để xứng với sự đánh giá của những người xung quanh giành cho mình, và khiến bản thân trở nên căng thẳng.
Một số đặc điểm tính cách khiến bạn dễ rơi vào hội chứng kẻ mạo danh hơn bao gồm:
- Tự ti vào bản thân: Những người tự ti luôn cho rằng bản thân bất tài, vô dụng, không thể đáp ứng yêu cầu đề ra dù trên thực tế họ có năng lực trong công việc.
- Cầu toàn trong cuộc sống: Những người cầu toàn luôn theo đuổi một sự hoàn hảo viễn vông, không có thật. Do đó họ không bao giờ hài lòng với thánh công mình đang có, mà muốn làm tốt hơn, tốt hơn nữa để đáp ứng mục tiêu tự đề ra.
- Đánh giá người khác quá cao: Nhiều người tài giỏi cho rằng những người khác cũng có thể đạt được thành tích như họ, thế nên họ cảm thấy mình rất bình thường so với những người tài giỏi khác.
- Sự ngu dốt đa nguyên: Ngu dốt đa nguyên là thuật ngữ dùng để chỉ việc chúng ta luôn cho rằng bản thân kém cỏi, và những người xung quanh đều biết, nhưng họ không nói ra. Chính điều này khiến ta thường xuyên phủ định thành tích đạt được, và cảm thấy không xứng với những đánh giá tích cực của người khác. Ta cho rằng những đánh giá nhận được chỉ mang tính “lịch sự”, và chúng ta đang mạo danh một người tài giỏi, trong khi bản thân lại rất kém cỏi.
Những đặc điểm tính cách này không chỉ khiến hội chứng kẻ mạo danh trầm trọng hơn, mà còn khiến ta bỏ lỡ nhiều cơ hội tuyệt vời để chứng minh bản thân.
4. Định kiến xã hội
Định kiến xã hội có ảnh hưởng nhất định đến hội chứng kẻ mạo danh, đặc biệt là định kiến về giới. Nhiều người phụ nữ giỏi giang và thành đạt không cảm thấy bản thân có được thành tựu nổi bật, khi họ so sánh với những người đàn ông khác. Định kiến về việc đàn ông luôn giỏi giang và tài năng hơn phụ nữ có ảnh hưởng mạnh đến góc nhìn của nhiều người.
Đàn ông luôn được mặc định là có thể lực tốt hơn, khả năng chịu căng thẳng giỏi hơn, và đạt thành tựu cao hơn trong mọi ngành nghề so với phái nữ. Định kiến này khiến một số người cảm thấy bản thân không tài giỏi như tưởng tượng, và không có lòng tin vào bản thân mình.
Năm loại kẻ mạo danh và ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần
Theo Tiến sĩ Valerie Young, một chuyên gia được quốc tế công nhận về hội chứng kẻ mạo danh, và là đồng sáng lập Viện Hội chứng kẻ mạo danh, những người mắc hội chứng kẻ mạo danh có thể được chia làm 5 loại, bao gồm:
- Người cầu toàn: Những người cầu toàn luôn tin rằng, trừ khi bạn đạt đến mức độ hoàn hảo, nếu không bạn vẫn có thể làm tốt hơn. Họ luôn hành động với mục đích tiến gần hơn và chậm đến sự hoàn hảo. Những yêu cầu thái quá về một sự việc nào đó khiến những người cầu toàn cảm thấy thất vọng về bản thân, thấy rằng họ không tài giỏi và hoàn hảo như những gì người khác đánh giá.
- Chuyên gia: Chuyên gia là người có tri thức rộng, uyên bác và thấu hiểu mọi thứ liên quan đến chuyên ngành của mình. Chính vì thế nhiều người có chuyên môn cao vẫn cảm thấy bản thân là kẻ mạo danh, vì họ không thể hiểu biết mọi thứ như nhiều người vẫn nghĩ. Họ vẫn có những điều cần học hỏi và nghiên cứu, do đó họ không xem bản thân là một chuyên gia.
- Thiên tài bẩm sinh: Hãy tưởng tượng những người xung quanh luôn nói rằng bạn là thiên tài, bạn thông minh hơn người, và bạn có những khả năng mà không ai có được. Tuy nhiên, bạn phát hiện bản thân mất nhiều thời gian để làm một việc gì đó, hoặc không thể thành công trong lần đầu tiên tiếp xúc. Lúc này bạn sẽ tự phủ định ban thân, cho rằng mình là một kẻ lừa đảo vì không tài giỏi, không có năng lực bẩm sinh như mọi người vẫn tin tưởng.
- Nghệ sĩ độc tấu: Việc bạn không thể hoàn thành điều gì đó một mình, mà cần nhờ đến sự giúp đỡ của người thân hay tập thể cũng có thể gây ra hội chứng kẻ mạo danh. Bạn bắt đầu nghi ngờ về năng lưc của bản thân, tự hỏi tại sao một việc như vậy cũng không thể tự làm được. Chí khí bạn tự làm mọi thứ, bạn mới chứng minh được năng lực, còn nếu nhờ sự giúp đỡ thì bạn là kẻ thất bại.
- Siêu nhân: Nếu bạn không phải là người giỏi nhất, người chăm chỉ nhất, người tốt nhất như bản thân vẫn tin tưởng, bạn sẽ là một kẻ lừa đảo. Bạn sẽ mất lòng tin vào năng lực và nhân cách của bản thân.
Hội chứng kẻ mạo danh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tự tin, cuộc sống và công việc của con người. Bạn sẽ có cảm giác căng thẳng, lo sợ rằng ai đó có thể phát hiện bạn là kẻ giả mạo, kẻ nói dối về tài năng của bản thân. Suy nghĩ tiêu cực này khiến bạn không cởi mở và làm chủ trong giao tiếp, đặt bạn vào trạng thái co cứng và phòng bị. Những cảm xúc tiêu cực này thường thúc đẩy những vấn đề tinh thần như stress, trầm cảm hay rối loạn lo âu xã hội.
Vượt qua hội chứng kẻ mạo danh
Điều đầu tiên cần làm để vượt qua hội chứng kẻ mạo danh là hiểu về hiệu ứng tâm lý này. Bạn cần biết những lý do hình thành hiệu ứng, để tránh việc bản thân bị cuốn vào những suy nghĩ tiêu cực. Chỉ có như vậy, bạn mới có thể thoát khỏi ảnh hưởng. Hãy thoái mái nhìn thăng vào mặt trái cảm xúc, và áp dụng một số cách sau:
- Chia sẻ cảm xúc: Hãy nói thật những suy nghĩ và cảm xúc của bạn cho người thân, bạn bè hay một người mà bạn tin tưởng. Bạn càng che giấu những cảm xúc tiêu cực thì chúng càng nghiêm trọng theo thời gian. Những lời khuyên và chia sẻ từ người bạn tin tưởng có thể giúp bạn nhìn nhận vấn đề với góc nhìn khác, từ đó loai bỏ cảm giác tự ti.
- Đánh giá đúng năng lực: Hãy tự tin rằng bạn xứng đáng với những thành quả đạt được, và không nên quá cầu toàn trong mọi tình huống. Những va vấp hay khó khăn khi tiếp xúc với môi trường mới là chuyện bình thường, chứ không phải biểu hiện của sự kém cỏi như bạn vẫn nghĩ. Hãy thay đổi suy nghĩ và nhìn nhận chính xác khả năng mình có.
- Không so sánh: Mỗi người sẽ có những sở trường khác nhau. Những người làm việc lâu năm hơn, ra đời sớm hơn cũng sẽ có những kinh nghiệm mà bạn không có. Việc so sánh bản thân với người khác trong trường hợp này là vô nghĩa. Thường xuyên so sánh cũng làm lu mờ những điểm tốt ở bạn, khiến bạn chỉ nhìn thấy những khuyết điểm.
- Hạn chế mạng xã hội: Ảnh hưởng của mạng xã hội đến tinh thần là điều không cần bàn cãi. Đắm chìm vào thế giới ảo với đầy những hình ảnh tích cực có thể khiến bạn có cái nhìn lệch lạc về thế giới và năng lực của bản thân. Mọi người thường chỉ phơi bày những điều tốt, và không đề cập đến những khuyết điểm của bản thân. Nghiện mạng xã hội có thể khiến bạn lầm tưởng thế giới đều giỏi giang và tốt đẹp, chỉ có bạn là không có tài năng. Điều đó sẽ chỉ khiến bạn cảm thấy mình là mọt kẻ mạo danh tồi tệ.
- Có chế độ sống lành mạnh: Một chế độ sống lành mạnh có thể giúp bạn cảm thấy thư giãn, thoải mái, và có cái nhìn tich cực về bản thân hơn. Để có một lối sống lành mạnh, bạn cần: ăn uống đúng giờ và có chế độ ăn giàu dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm; nghỉ ngơi đúng giờ, tập thói quen thức sớm dậy sớm; chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe, tăng đề kháng, loại bỏ năng lượng tiêu cực.
Ngoài ra, bạn cũng có thể đến gặp bác sĩ hoặc các trung tâm tư vấn tâm lý nếu cảm thấy hội chứng này khiến bạn mệt mỏi, tuyệt vọng và căng thẳng trong cuộc sống. Các chuyên gia sẽ có những cách giúp bạn thả lỏng cảm xúc, thay đổi suy nghĩ, từ đó thay đổi hành vi theo hướng tích cực hơn.
Có thể bạn quan tâm
- Tâm lý nạn nhân: Luôn đổ lỗi khi mọi thứ không như mong muốn
- Hiệu ứng Mandela: Liệu có đáng sợ khi số đông bị rối trí?
- Hiệu ứng ánh đèn sân khấu: Làm sao để trở nên tự tin hơn?
- Hiệu ứng người ngoài cuộc và thái độ bàng quan trong cuộc sống
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!