Dấu hiệu nhận biết trẻ tự kỷ qua tiếng khóc: Cha mẹ lưu ý
Các nghiên cứu đã cho rằng phụ huynh hoàn toàn có thể nhận biết trẻ tự kỷ qua tiếng khóc. Trẻ mắc bệnh này không thể nói, diễn tả cảm xúc nên chỉ có thể khóc lên để biểu đạt ý muốn hay tạo sự chú ý. Điều này sẽ giúp ích cho rất nhiều bậc cha mẹ phát hiện sớm các vấn đề của con và nhanh chóng đưa trẻ đi điều trị kịp thời, tránh các hệ lụy xấu sau này.
Tiếng khóc của trẻ tự kỷ có gì khác biệt?
Tiếng khóc của trẻ tự kỷ thường mang đặc điểm như không rõ nguyên nhân, tiếng khóc kéo dài và khó dỗ. Điều này xuất phát từ việc bé không thể diễn đạt cảm xúc, nhu cầu một cách rõ ràng. Thêm vào đó, tiếng khóc của trẻ tự kỷ đôi khi không mang tính gắn kết cảm xúc với hoàn cảnh thực tế, khiến cha mẹ khó hiểu được lý do.
Một đặc điểm khác của tiếng khóc ở trẻ tự kỷ là âm thanh có thể bất thường, cao vút hoặc khàn đặc lặp đi lặp lại để phản ánh trạng thái lo âu của trẻ trước sự thay đổi nhỏ trong môi trường.
Trẻ bình thường khóc để thể hiện nhu cầu, cảm xúc rõ ràng. Đồng thời rất dễ dỗ dành nếu nhu cầu như khi đói, buồn ngủ, cần sự quan tâm được đáp ứng. Tiếng khóc của các bé này liên quan đến trạng thái cảm xúc hiện tại và thay đổi theo tình huống. Con cũng có khả năng dùng tiếng khóc để giao tiếp xã hội, đòi hỏi sự chú ý hoặc bày tỏ sự khó chịu.
Ngược lại, trẻ tự kỷ có thể khóc không chỉ vì nhu cầu cụ thể mà còn do cảm giác khó chịu về mặt cảm giác và do rối loạn tâm lý. Tiếng khóc của các bé xuất hiện bất ngờ và kéo dài hơn ngay cả khi không có nguyên nhân rõ ràng. Hơn nữa, những cơn khóc này không giảm khi được dỗ.
Dấu hiệu nhận biết trẻ tự kỷ qua tiếng khóc
Các nhà nghiên cứu đã đưa ra giải thuyết về việc các dấu hiệu tự kỷ đã xuất hiện ngay từ thời điểm bước vào tháng tuổi, cụ thể là phụ huynh có thể nhận biết trẻ tự kỷ qua tiếng khóc của con.
- Tiếng khóc thường có âm độ cao hơn bình thường, tạo cảm giác chát chúa và khó chịu cho người nghe
- Trẻ tự kỷ dễ bị kích động bởi ánh sáng mạnh, âm thanh lớn khiến tiếng khóc kéo dài và không dễ dỗ dành.
- Cảm nhận được sự căng thẳng và khó chịu trong tiếng khóc
- Tiếng khóc có tần số cao và khoảng dừng ngắn hơn, nghe như một chuỗi âm thanh liên tục và bất thường
- Khóc nhiều hơn so với trẻ bình thường và khó dỗ dành ngay cả khi không có lý do rõ ràng để khóc
- Cảm nhận được sự đau khổ và dằn xé trong tiếng khóc của trẻ phù hợp với hoàn cảnh trước mắt
Tiếng khóc của trẻ tự kỷ thể hiện những nhu cầu gì?
Trẻ tự kỷ hay cảm thấy khó chịu và phản ứng lại bằng tiếng khóc trong nhiều trường hợp. Đây là cách bé thể hiện sự bối rối khi đối diện với các yếu tố kích thích mà con không thể kiểm soát, thích nghi. Tiếng khóc sẽ kéo dài liên tục cho đến khi nguyên nhân gây khó chịu được loại bỏ.
Việc không thể nói ra, biểu hiện điều mình muốn khiến trẻ phải sử dụng tiếng khóc như một cách để thu hút sự chú ý. Đó là khi bé muốn điều gì đó, cảm thấy đau đớn và bất an. Tuy nhiên, do không thể diễn đạt cụ thể mà cha mẹ phải dựa vào các tín hiệu khác để hiểu được trẻ đang cần gì.
Trong một số trường hợp, trẻ tự kỷ khóc cho thấy dấu hiệu của rối loạn cảm xúc bên trong khi con mất kiểm soát với chính mình nhưng không thể hiểu và bày tỏ. Tiếng khóc trong trường hợp này không liên quan đến bất kỳ kích thích, nhu cầu cụ thể nào. Đây là một thách thức lớn đối với cha mẹ khi tìm cách giúp trẻ bình tĩnh trở lại.
Cách phân biệt tiếng khóc của trẻ tự kỷ với các vấn đề khác?
Tiếng khóc của trẻ khi bị đau ốm sẽ yếu ớt, kéo dài và kèm theo các triệu chứng khác như sốt, ho và mệt mỏi. Khi đó bé vẫn dễ dỗ hơn nếu được chăm sóc, ôm ấp hoặc uống thuốc. Ngược lại, tiếng khóc của trẻ tự kỷ không đi kèm với các triệu chứng bệnh lý cụ thể mà có âm điệu bất thường, kéo dài, khó dỗ dành và xuất hiện mà không rõ nguyên nhân.
Trẻ tự kỷ dễ bị căng thẳng trước thay đổi nhỏ trong môi trường và tiếng khóc phản ánh sự lo lắng, bất an. Lúc này, tiếng khóc của bé cao vút, chát chúa và lặp đi lặp lại nhằm thể hiện rõ sự khó chịu. Khác với tiếng khóc thông thường do lo lắng đang trải qua, trẻ mắc tự kỷ có thể khóc nhiều hơn và tiếng khóc kéo dài, nhất là khi con không thể điều chỉnh cảm xúc, thích nghi với sự thay đổi xung quanh.
Tại sao trẻ tự kỷ thường khóc nhiều và liên tục?
Việc hiểu rõ nguyên nhân đằng sau tiếng khóc của trẻ là điều vô cùng quan trọng để cha mẹ đưa ra các biện pháp phù hợp để con thấy thoải mái hơn:
- Hiện tượng quá tải giác quan: Trẻ tự kỷ khó xử lý các thông tin từ môi trường xung quanh như âm thanh lớn, ánh sáng mạnh. Khi bị quá tải giác quan, con rơi vào lo sợ và phản ứng bằng cách khóc lớn thật lâu, thậm chí la hét do quá bất an.
- Sự bất an: Khi trẻ tự kỷ đối diện với sự xa lạ sẽ trở nên bất an. Tiếng khóc là một cách để con thể hiện sự lo lắng, bối rối và tìm kiếm sự an ủi từ người lớn.
- Khó giao tiếp: Do hạn chế về ngôn ngữ và khả năng diễn đạt, trẻ tự kỷ không thể truyền đạt những gì mình muốn. Lúc này, bé sẽ khóc nhiều hơn để thể hiện sự bất mãn cùng mong muốn của mình.
- Phản ứng trước sự thay đổi: Trẻ tự kỷ khó thích nghi với việc thay đổi lịch trình, môi trường sống,…. nên dễ lo lắng dẫn đến việc khóc nhiều hơn.
- Vấn đề giấc ngủ: Một số trẻ tự kỷ có thể gặp rối loạn giấc ngủ gây mệt mỏi do thiếu hụt hormone melatonin.
Phải làm gì khi nghi ngờ tiếng khóc là dấu hiệu tự kỷ?
Nếu nghi ngờ tiếng khóc của trẻ là dấu hiệu của tự kỷ, lời khuyên tốt nhất từ các chuyên gia là không nên hoảng sợ, lo lắng quá mức. Trẻ dưới 12 tháng tuổi mặc dù có thể xuất hiện vài biểu hiện như khóc nhiều, kích động, thích ở một mình nhưng chưa đủ rõ ràng để khẳng định trẻ có bị tự kỷ hay không. Thay vào đó, gia đình nên quan sát kỹ và chăm sóc ổn định để bé phát triển bình thường, đồng thời theo dõi các biểu hiện khác để có hành động phù hợp.
Phương pháp kiểm tra và theo dõi từ gia đình:
- Quan sát khả năng giao tiếp và tương tác của con với người thân, để ý xem trẻ có nhìn vào mắt, đáp lại khi được gọi tên hay không
- Theo dõi phản ứng kích động, sợ hãi của trẻ trước các âm thanh, ánh sáng, yếu tố kích thích từ môi trường
- Lưu ý hành vi chơi đùa xem trẻ có thường chơi một mình, có làm đi làm lại một hành động mà không thích tương tác với đồ chơi, con người
- Ghi lại tần suất và mức độ khóc của trẻ để xem xét liệu nó có liên quan đến tình huống cụ thể nào hay không
Các biện pháp hỗ trợ khi trẻ tự kỷ khóc quá mức
Trẻ tự kỷ khóc do muốn biểu đạt nhu cầu nào đó hoặc bởi vì con bị căng thẳng và chỉ muốn thu hút sự chú ý từ cha mẹ. Tuy nhiên rất khó phán đoán vì đôi khi bé tự khóc mà không do nguyên nhân nào. Kèm theo đó là các trạng thái la hét kích động, tự làm đau bản thân bằng các đập đầu vào tường, đập tay lên đầu,… nên phụ huynh cần cực kỳ chú ý kiểm soát.
1. Trấn an trẻ
Tốt nhất khi trẻ tự kỷ khóc phụ huynh nên thực hiện một số biện pháp sau đây:
- Đưa con đến nơi yên tĩnh: Khi khóc trẻ không hiểu bố mẹ muốn nói gì, đồng thời bé lại rất nhạy cảm với âm thanh, ánh sáng nên càng khóc dữ hơn. Vì vậy mẹ hãy đưa bé đến phòng riêng, nơi yên tĩnh để con bình tĩnh lại.
- Nói những cụm từ ngắn: Phụ huynh cần bình tĩnh, tránh la hét, quát mắng bởi con không hiểu được cha mẹ muốn nói gì hay đang tức giận. Thay vào đó, phụ huynh cần nói những câu ngắn, rõ ràng để con hiểu được mà không cần cố gắng nói dỗ dành “ngoan đi không khóc nữa mẹ thương”.
- Hướng bé đến sự chú ý khác: Trong trường hợp bé khóc quá dữ dội, phụ huynh có thể hướng con đến sự chú ý khác như đưa đến món đồ chơi yêu thích để xoa dịu. Tuy nhiên cần cẩn trọng với việc này vì trẻ có thể nhận thức được việc chỉ cần khóc là cha mẹ sẽ đưa đồ chơi ra.
- Cho bé biết cha mẹ luôn ở bên: Mặc dù trẻ tự kỷ thường thích chơi một mình hơn là chơi cùng người khác nhưng con vẫn có phần nào đó quấn quýt hơn với người thân. Vì vậy hãy cho bé biết là cha mẹ vẫn đang quan sát con, luôn cố gắng làm việc trong tầm mắt của con để bé yên tâm hơn.
2. Kỹ thuật can thiệp và trị liệu dành cho trẻ tự kỷ
Nếu có dấu hiệu nghi ngờ tự kỷ khi được 12 tháng tuổi, gia đình nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được đánh giá. Tuy nhiên, quá trình chẩn đoán chính thức chỉ thực hiện khi trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên. Trong thời gian chờ đợi, các can thiệp về tâm sinh lý từ chuyên gia có thể được thực hiện nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của các triệu chứng tự kỷ lên sự phát triển của trẻ:
- Trị liệu ngôn ngữ và chỉnh âm: Đây là một phương pháp phổ biến giúp trẻ tự kỷ khắc phục khuyết tật về phát âm, chậm nói, sử dụng ngôn ngữ không rõ ràng thông qua các bài tập đặc biệt từ chuyên gia ngôn ngữ trị liệu.
- Trị liệu hành vi: Phương pháp này dựa trên việc phân tích hành vi ứng dụng (ABA) nhằm dạy trẻ tự kỷ nhận thức về hành vi của mình. Nó giúp các bé thay đổi thói quen tiêu cực, nâng cao kỹ năng giao tiếp và xã hội. Việc khen thưởng và điều chỉnh hành vi đúng cách giúp trẻ nhận ra và thay đổi hành vi không phù hợp.
- PECS (hệ thống giao tiếp trao đổi hình ảnh): Đây là phương pháp sử dụng thẻ hình ảnh để giao tiếp với trẻ tự kỷ, đặc biệt hữu ích khi bé còn hạn chế về ngôn ngữ.
- Trị liệu cảm giác: Trẻ tự kỷ gặp rối loạn về giác quan nên phương pháp trị liệu cảm giác giúp bé làm quen và điều chỉnh sự nhạy cảm. Qua đó trẻ cải thiện khả năng cảm nhận và phản ứng với môi trường xung quanh.
- Phương pháp TEACCH: Đây là một phương pháp trị liệu có tính học thuật cao để trẻ tự kỷ phát triển kỹ năng xã hội, ngôn ngữ và tự lập trong cuộc sống hàng ngày.
Khi nào cần đưa trẻ đi khám và can thiệp sớm?
Các dấu hiệu đi kèm với tiếng khóc có thể là tín hiệu cho thấy trẻ cần được can thiệp y tế sớm:
- Trẻ ít giao tiếp mắt với người xung quanh.
- Không phản ứng khi được gọi tên
- Thường lặp lại các hành động một cách vô thức
- Ít quan tâm đến người khác và thích chơi một mình
- Tỏ ra không quan tâm đến cảm xúc của cha mẹ, người thân
- Có phản ứng mạnh trước âm thanh, ánh sáng hoặc những thay đổi nhỏ trong môi trường
- Không đáp lại khi được gọi tên
Chẩn đoán và can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ giúp bé được hỗ trợ phát triển ngôn ngữ, cải thiện kỹ năng giao tiếp và tương tác xã hội. Các chương trình can thiệp sớm còn giúp trẻ học cách thích nghi với môi trường xung quanh để tăng thêm khả năng tự lập và hòa nhập trong tương lai. Chúng cũng giúp gia đình hiểu rõ hơn về cách chăm sóc con cái, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho cả nhà.
Những điều cha mẹ cần tránh khi trẻ tự kỷ khóc
Thường thì phản ứng đầu tiên của nhiều bậc cha mẹ là la mắng, ép buộc trẻ phải im lặng khi đang khóc. Tuy nhiên, điều này không những không hiệu quả mà còn làm tình trạng khóc của trẻ trở nên tồi tệ hơn. Một số phụ huynh cũng có xu hướng phớt lờ tiếng khóc, nghĩ rằng bé sẽ tự nín, nhưng điều này có thể khiến trẻ cảm thấy không được quan tâm. Để giúp trẻ tự kỷ cảm thấy thoải mái hơn khi khóc, cha mẹ cần điều chỉnh thái độ và cách ứng xử sao cho phù hợp.
- Cha mẹ nên giữ bình tĩnh và nhẹ nhàng lắng nghe những gì trẻ đang cố gắng truyền đạt qua tiếng khóc.
- Tạo cho trẻ cảm giác an toàn bằng cách ôm nhẹ nhàng nếu con đồng ý
- Nói những lời động viên, an ủi cho con nghe
- Loại bỏ các yếu tố gây khó chịu như tiếng ồn lớn, ánh sáng mạnh, môi trường quá đông đúc để bé thấy thoải mái hơn
- Khi trẻ ngừng khóc và bình tĩnh lại, cha mẹ có thể khen ngợi để khuyến khích thói quen tích cực
- Kiên nhẫn tìm hiểu nguyên nhân thật sự khiến trẻ khóc và đáp ứng các nhu cầu cơ bản của con thật hợp lý
- Hướng dẫn con cách thể hiện cảm xúc bằng ngôn ngữ, hành động cụ thể
Mặc dù rất khó để nhận biết trẻ tự kỷ qua tiếng khóc nhưng nó lại là gợi ý quan trọng để phụ huynh có thể theo sát và phát hiện các dấu hiệu bất thường trong quá trình phát triển của con. Phát hiện và điều trị tự kỷ sớm chính là yếu tố quan trọng để cải thiện các khiếm khuyết và giúp trẻ hòa nhập với cộng đồng tốt hơn.
Có thể bạn quan tâm:
- Rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ và cách khắc phục
- Trẻ tự kỷ nên uống sữa không? Loại nào tốt?
- Tìm hiểu phương pháp trị liệu ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!