Hội chứng sợ độ sâu (Batophobia): Ảnh hưởng và cách vượt qua
Hội chứng sợ độ sâu có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với cuộc sống hàng ngày và chất lượng sống của người mắc phải. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc tìm kiếm sự giúp đỡ và điều trị kịp thời để giảm bớt tác động của hội chứng này.
Hội chứng sợ độ sâu (Batophobia) là gì?
Hội chứng sợ độ sâu là một rối loạn tâm lý mà người mắc thường trải qua những cảm xúc hoảng sợ và có nỗi sợ vô lý đối với độ sâu.
Thuật ngữ “Batophobia” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, với “bathios” có nghĩa là độ sâu và “phobos” có nghĩa là nỗi sợ hãi, ám ảnh. Mặc dù đã được biết đến từ lâu, nhưng hội chứng này chưa được công nhận là một rối loạn tâm lý chính thức trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5).
Giống như các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi khác, người mắc hội chứng sợ độ sâu có thể trải qua cơn hoảng loạn và sợ hãi cực độ khi đối diện với những tình huống có liên quan đến độ sâu như đứng trước bể bơi, biển, hồ nước, thung lũng,… Đa số người mắc chứng bệnh này đều nhận ra nỗi sợ của bản thân là vô lý nhưng không thể nào kiểm soát triệu chứng.
Ngoài ra, hội chứng này còn có nhiều điểm tương đồng với các hội chứng ám ảnh khác như hội chứng sợ biển, hội chứng sợ đại dương, hội chứng sợ độ cao,….
Triệu chứng thường gặp của hội chứng sợ độ sâu
Người mang hội chứng sợ độ sâu thường phản ứng thái quá và mạnh mẽ với các yếu tố tiếp xúc. Các triệu chứng thường thấy của sự sợ hãi thái quá đó bao gồm:
- Người bệnh luôn có cảm giác lo lắng, hồi hộp và lo âu mạnh mẽ khi tiếp xúc với hồ bơi, biển, đại dương, vách núi,….
- Bệnh nhân thường tìm cách tránh xa các tình huống gây sợ hãi liên quan đến chứng bệnh.
- Người mắc phải hội chứng luôn nghĩ đến những điều tồi tệ như gặp sự cố chết đuối hoặc bị tấn công bởi cá mập nếu đi bơi.
- Người bệnh có thể sống khép kín, tách biệt với mọi mối quan hệ xã hội.
- Người bệnh thường xuyên mất ngủ và khó tập trung.
Các triệu chứng thể lý cũng có thể xuất hiện khi tiếp xúc trực tiếp với yếu tố liên quan đến độ sâu. Người bệnh sẽ cảm thấy tim đập nhanh, huyết áp tăng, thở gấp gáp, chóng mặt, hoặc ngất xỉu. Đồng thời có cảm giác đau dạ dày, buồn nôn, ớn lạnh, run rẩy cùng với sự xuất hiện những hành vi né tránh hoặc không kiểm soát.
Hội chứng sợ độ sâu – Nguyên nhân do đâu?
Hội chứng sợ độ sâu có thể được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Có một số yếu tố được cho là liên quan đến sự phát triển của hội chứng này, bao gồm:
- Yếu tố di truyền: Mặc dù mã gen gây ra hội chứng này chưa được xác định rõ, nhưng thống kê cho thấy người bệnh có nguy cơ cao nếu người thân mắc phải chứng sợ hãi này hoặc các rối loạn tâm lý khác.
- Trải nghiệm tiêu cực từ quá khứ: Các trải nghiệm tiêu cực từ quá khứ liên quan đến độ sâu có thể gây ra hội chứng này. Nếu từng đối mặt với những tình huống đáng sợ đó, cơ thể sẽ phản ứng tự động với nỗi sợ và kéo dài trong tương lai.
- Căng thẳng và stress kéo dài: Căng thẳng và stress kéo dài góp phần gây ra hội chứng sợ độ sâu. Điều này làm chức năng của não bộ bị ảnh hưởng, làm cho người bệnh trở nên nhạy cảm, dễ gặp phải cảm giác sợ hãi với môi trường xung quanh.
- Yếu tố về thể chất và môi trường sống: Nếu cơ thể gặp phải các vấn đề về sức khỏe như tiểu đường, mãn kinh thì cá nhân dễ mắc hội chứng này. Ngoài ra, việc tiếp xúc thường xuyên với hình ảnh đáng sợ liên quan đến độ sâu cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng này.
Ảnh hưởng của hội chứng sợ độ sâu
Người mắc hội chứng sợ độ sâu thường tránh xa các hoạt động hoặc địa điểm có liên quan đến độ sâu như đi du lịch ở biển, tham gia các hoạt động bơi lặn. Điều này có thể khiến người bệnh cảm thấy cô đơn và không gần gũi với bạn bè, gia đình.
Hội chứng sợ độ sâu có thể làm giảm khả năng tập trung và hiệu suất làm việc, ảnh hưởng đến sự thăng tiến nghề nghiệp, đặc biệt khi công việc của người bệnh liên quan đến độ sâu. Sự sợ hãi liên tục còn dẫn đến căng thẳng tinh thần, trầm cảm. Cảm giác không thoải mái và lo lắng không ngừng cũng làm giảm chất lượng sống và hạn chế niềm vui của bệnh nhân.
Việc phải đối mặt với nỗi lo liên tục có thể làm giảm sự tự tin của người mắc hội chứng sợ độ sâu, khiến bản thân buộc phải tránh né những tình huống sợ hãi để thoát khỏi cảm giác bất an.
Chẩn đoán hội chứng sợ độ sâu như thế nào?
Hội chứng sợ độ sâu thường được chẩn đoán tổng quát dưới dạng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi. Việc chẩn đoán thường dựa vào các biểu hiện lâm sàng mà bệnh nhân thể hiện hoặc bác sĩ có thể đề xuất thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng và hình ảnh để loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây ra triệu chứng tương tự. Dưới đây là các tiêu chí chẩn đoán batophobia:
- Có biểu hiện cụ thể của hội chứng sợ độ sâu là nỗi sợ hãi cấp tính kéo dài mà không có lý do. Triệu chứng này thường được kích hoạt khi đối diện với các tình huống liên quan đến độ sâu.
- Khi tiếp xúc với các yếu tố gợi nhớ về độ sâu, người bệnh lập tức trải qua cảm giác lo âu, khủng hoảng hoặc đau khổ.
- Người bệnh có thể nhận thức rằng nỗi sợ hãi của mình vượt quá mức bình thường hoặc không có lý do cụ thể nào để xác định.
- Người bệnh thường thực hiện các hành vi né tránh, gây ra sự cản trở đối với các hoạt động hàng ngày.
- Ở những người dưới 18 tuổi, các triệu chứng bệnh phải tồn tại ít nhất trong sáu tháng.
- Những cảm giác lo lắng, hoảng loạn hoặc hành vi né tránh thường không được giải thích bằng một chứng rối loạn tâm thần khác.
Cách vượt qua hội chứng sợ độ sâu bạn nên biết
Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị cụ thể cho hội chứng sợ độ sâu. Các biện pháp can thiệp còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mà người bệnh gặp phải. Tuy nhiên có một số phương pháp có thể được sử dụng chủ yếu tập trung vào điều trị tâm lý, sử dụng thuốc kê đơn và kế hoạch tự chăm sóc.
1. Sử dụng thuốc hỗ trợ
Mặc dù không có thuốc đặc trị cho hội chứng sợ độ sâu, nhưng trong một số trường hợp bác sĩ vẫn có thể kê đơn thuốc để giảm nhẹ các triệu chứng. Các loại thuốc này thường tập trung giảm bớt các biểu hiện của hội chứng như lo lắng và căng thẳng.
Thông thường, các loại thuốc như thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chẹn beta được bác sĩ kê đơn sử dụng nhưng quá nhiều có thể gây ra phụ thuộc và tác dụng phụ khác. Do đó, bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và chỉ sử dụng thuốc khi cần thiết dưới sự giám sát của chuyên gia y tế.
2. Trị liệu tâm lý với chuyên gia
Phương pháp chính để điều trị hội chứng sợ độ sâu là liệu pháp tâm lý thông qua chuyên gia tâm lý học. Tâm lý trị liệu được coi là phương pháp hiệu quả nhất được sử dụng trong việc điều trị hội chứng sợ độ sâu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh nhân thường hài lòng với kết quả của liệu pháp này hơn so với phương pháp hóa dược.
- Liệu pháp tiếp xúc: Với phương pháp này, các nhà trị liệu sẽ khuyến khích người mắc hội chứng tiếp xúc với những tác nhân gây sợ hãi như nhìn vào hình ảnh vách núi, vực thẳm và hướng dẫn bệnh nhân vượt qua nỗi sợ với cấp độ tăng dần cho đến khi có thể kiểm soát được nỗi sợ của mình.
- Liệu pháp tâm lý nhận thức – hành vi (CBT): CBT là một phương pháp phổ biến trong điều trị các vấn đề tâm lý, đặc biệt là giúp bệnh nhân nhận ra rằng những nỗi lo sợ của bản thân là hoàn toàn vô lý. Người bệnh sẽ được học cách điều chỉnh suy nghĩ và hành vi để đối mặt với tình huống sợ hãi một cách tích cực hơn.
- Liệu pháp thôi miên: Nhà trị liệu sử dụng trạng thái thôi miên này để khai thác thông tin về tâm lý của bệnh nhân và giúp bản thân thay đổi cảm nhận cũng như nhận thức của mình.
3. Tự chăm sóc
Bên cạnh các phương pháp điều trị tâm lý và hóa dược, việc thay đổi thói quen sinh hoạt cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình trạng sức khỏe tâm thần. Dưới đây là một số phương pháp người bệnh có thể áp dụng:
- Tham gia vào các hoạt động xã hội, gặp gỡ bạn bè và tạo mối quan hệ mới nhằm kết nối với cộng đồng xung quanh
- Viết ra những suy nghĩ và cảm xúc của mình
- Tìm kiếm sự hỗ trợ từ người thân hoặc bạn bè thông qua việc chia sẻ và tâm sự
- Thực hiện hoạt động vận động thể chất thường xuyên để cải thiện sức khỏe cơ thể, tăng cường tinh thần và giảm căng thẳng
- Xây dựng lối sống lành mạnh bằng việc cung cấp cho cơ thể các dưỡng chất cần thiết, duy trì giấc ngủ chất lượng và thực hành thiền định để tạo ra sự cân bằng trong tâm trí
- Tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội và các hoạt động thiện nguyện
Đối với những người mắc hội chứng sợ độ sâu, can thiệp và điều trị là cần thiết để giúp mọi người hòa nhập lại với cuộc sống một cách tự tin. Không chỉ vậy, điều này còn giúp người bệnh vượt qua nỗi sợ hãi và cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như tăng cường sức khỏe tổng thể.
Có thể bạn quan tâm:
- Hội chứng sợ bóng tối: Nguyên nhân và cách khắc phục
- Hội chứng sợ không gian hẹp: Nguyên nhân và cách khắc phục
- Hội chứng sợ màu sắc (Chromophobia): Dấu hiệu nhận biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!