Rối nhiễu tâm lý ở trẻ: Vấn đề đáng quan ngại trong thời đại số
Rối nhiễu tâm lý ở trẻ là tình trạng sức khỏe trong đó có sự thay đổi về suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của trẻ. Nó có thể dẫn đến các vấn đề tiêu cực trong việc tương tác với gia đình, bạn bè và hoạt động xã hội.
Rối nhiễu tâm lý ở trẻ là gì?
Rối nhiễu tâm lý ở trẻ được hiểu là một tình trạng sang chấn khiến các em có những bất ổn về mặt tâm lý kéo theo khó khăn về thể chất hay thần kinh. Các sang chấn này do những tác động từ bên ngoài gây ra và có thể phòng ngừa hay can thiệp để tìm lại sự cân bằng.
Thực tế hiện nay, người bị rối nhiễu tâm lý thường không được phát hiện kịp thời, đặc biệt ở trẻ em. Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng (RTCCD) cho thấy có đến 20% trẻ em ở độ tuổi lớp 2, lớp 3 (7 – 8 tuổi) gặp phải rối nhiễu tâm lý.
Các nhóm rối nhiễu tâm lý thường gặp ở trẻ
Theo các kết quả nghiên cứu, trẻ em Việt Nam thường có một trong những biểu hiện thuộc các nhóm rối nhiễu tâm lý ở các mức độ khác nhau, cần được phát hiện kịp thời và can thiệp đặc biệt. Các nhóm rối nhiễu hoặc rối loạn tâm lý ở trẻ em bao gồm:
1. Rối nhiễu về học tập
Trong quá trình học tập, trẻ bị rối nhiễu tâm lý có các biểu hiện sau đây:
- Vụng đọc, vụng viết.
- Khả năng tập trung, chú ý giảm hoặc kém.
- Chán học, không hứng thú trong học tập, không chấp hành nội quy học tập.
- Học hành sa sút, học kém.
2. Rối nhiễu nhân cách
Các biểu hiện của rối nhiễu nhân cách ở trẻ thể hiện thông qua triệu chứng của hai chứng bệnh tâm lý là tự kỷ và trầm cảm.
Hội chứng tự kỷ
- Trẻ thu mình, ngại tiếp xúc với những người xung quanh, thường chơi một mình, không đòi hỏi, không la hét khóc lóc.
- Trẻ không chịu nói hoặc chỉ nói được vài từ rời rạc, tự nhiên ít nói hoặc nói quá nhiều, không biết trả lời mà chỉ nhắc lại lời của người khác.
- Trẻ có những hành vi định hình, lặp đi lặp lại.
Lo âu, trầm cảm
- Có các nỗi sợ: sợ trường học, sợ đám đông, sợ bóng tối, sợ đi xe,…
- Ám ảnh, nhút nhát, không tự tin trong các hoạt động.
- Ức chế, thường quá hiền lành và luôn luôn nhường nhịn bạn bè.
- Có biểu hiện suy nhược, uể oải kéo dài, hay giật mình, cáu kỉnh, lười biếng.
- Ức chế, ngại giao tiếp, dễ tự ái, dễ tổn thương.
- Có biểu hiện kiêu ngạo, hoang phí của cải.
3. Rối nhiễu ngôn ngữ
Trẻ cần được nhận biết các biểu hiện rối nhiễu ngôn ngữ sau đây để kịp thời can thiệp:
- Nói ngọng, nói lắp.
- Nói không rõ lời, thường hay nói thầm.
- Chậm nói so với lứa tuổi.
- Nói ngược (đảo chủ ngữ).
4. Rối nhiễu hành vi
Rối nhiễu hành vi ở trẻ được biểu hiện rõ ràng thông qua:
- Hiếu động quá mức, không có cảm giác nguy hiểm.
- Có biểu hiện chống đối, ngoan cố, hay nói tục.
- Hành vi hung hăng, không hòa nhập được trong môi trường học đường.
- Ăn cắp vặt, nói dối, bỏ nhà, trốn học, vi phạm nội quy nhà trường.
5. Rối nhiễu tâm thể
Sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của trẻ bị ảnh hưởng bởi các loại rối loạn có trong rối nhiễu tâm thể, cụ thể:
- Rối nhiễu giấc ngủ: khó ngủ, mất ngủ, ác mộng hoặc ngủ nhiều, lạm dụng thuốc ngủ,…
- Rối nhiễu bài tiết: đái dầm, ỉa đùn,…
- Rối nhiễu tiêu hóa: biếng ăn, chán ăn hoặc ăn nhiều quá mức đi kèm các biểu hiện sút cân, tăng cân, béo phì,…
- Những hành vi lặp đi lặp lại (tic): nháy mắt, lắc đầu, giật ngón tay hay khụt khịt mũi,…
6. Rối nhiễu về giới tính
Đây là nhóm rối nhiễu cần được chú ý đặc biệt để tránh cho trẻ những tổn thương không đáng có:
- Tự kích dục, thủ dâm.
- Ứng xử như người khác giới.
- Khó khăn trong ứng xử với người khác giới.
- Không phân biệt được giới tính của mình.
Nguyên nhân của hiện tượng rối nhiễu tâm lý ở trẻ
Trẻ em còn non yếu về mặt thể chất và tinh thần, điều này khiến cho rối nhiễu tâm lý càng dễ xuất hiện nếu chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố sau đây:
1. Từ gia đình
Các nhà tâm lý giáo dục cho rằng, rất nhiều trẻ em hiện nay gặp khó khăn về tâm lý, tinh thần do thiếu sự quan tâm từ gia đình. Bên cạnh đó, cha mẹ không có nhiều thời gian dành cho con, trẻ dễ bị hụt hẫng, dẫn tới thu mình lại và rất dễ bị mắc chứng tự kỷ.
Trong nhiều gia đình các mâu thuẫn về quan điểm sống, việc ly hôn, thiếu gương mẫu, bạo lực, thô bạo trong việc dạy dỗ, áp đặt, thiếu tin tưởng vào các con là nguyên nhân gây ra rối loạn hành vi ở trẻ, sự chống đối, trầm cảm hay thậm chí là tự sát.
2. Từ xã hội
Những ảnh hưởng xã hội đã góp phần gây ra rối nhiễu tâm lý ở trẻ, bao gồm: lạm dụng tình dục, bỏ bê, bắt nạt, căng thẳng xã hội, các sự kiện đau thương và các trải nghiệm sống tiêu cực khác. Các khía cạnh rộng lớn hơn của xã hội cũng có liên quan như thiếu gắn kết, vấn đề di cư và các đặc điểm của xã hội – văn hóa.
Tuy có nhiều tiến bộ trong thời đại số nhưng mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tác động tiêu cực đến nhận thức và hành vi của trẻ em. Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh dẫn đến không gian sinh hoạt, giải trí của các em bị thu hẹp nên nhiều em nghiện Internet dẫn đến biểu hiện sống ảo, thích bạo lực và phát sinh hành vi, suy nghĩ tiêu cực.
Hầu hết các địa phương chưa có trung tâm tư vấn tâm lý nên trẻ em vẫn gặp khó khăn trong việc muốn được chia sẻ và tư vấn giúp đỡ các vấn đề về tâm lý.
3. Từ nhà trường
Hiện nay chương trình học trở nên quá tải cùng áp lực thi cử, cạnh tranh điểm số khiến các em mệt mỏi và căng thẳng. Môi trường thiếu không gian vui chơi giải trí nên các hoạt động tập thể còn rất hạn chế, chưa tạo được sân chơi phong phú để trẻ phát huy khả năng sở trường của mình.
Hầu hết các trường chưa chú ý đến các biện pháp hỗ trợ tâm lý. Mặt khác, bộ phận y tế học đường chưa đảm nhận được chức năng tư vấn tâm lý và sức khỏe cho các em.
Bên cạnh đó một số giáo viên ít quan tâm, gần gũi học sinh, chưa thật sự nêu gương về đạo đức, cách ứng xử có văn hóa để học sinh noi theo. Đồng thời nhà trường chưa phát huy hết vai trò trong việc tổ chức sinh hoạt tập thể, hình thức và nội dung các buổi ngoại khóa chưa thu hút được sự tham gia đông đảo.
Cách điều trị rối nhiễu tâm lý ở trẻ mà cha mẹ cần biết
Can thiệp và điều trị rối nhiễu tâm lý cho trẻ là một quá trình toàn diện, lâu dài, cần có sự tham gia của cha mẹ, giáo viên và các chuyên gia.
1. Tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên môn
Nếu rối nhiễu tâm lý ở trẻ trở nên nghiêm trọng, cha mẹ hãy cân nhắc tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý, bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ khoa nhi,….
Các bác sĩ tâm thần sẽ tìm cách đưa ra chẩn đoán y tế cho trẻ bằng cách đánh giá các triệu chứng, dấu hiệu và tình trạng suy yếu liên quan đến các loại rối loạn tâm thần cụ thể. Sau đó chuyên gia sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp mà trong số đó liệu pháp tâm lý là lựa chọn chính cho việc loại bỏ rối nhiễu tâm lý ở trẻ, bao gồm: liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), liệu pháp hành vi biện chứng (DBT), liệu pháp tâm lý giữa các cá nhân (IPT), liệu pháp gia đình,….
2. Thuốc điều trị
Một trong những lựa chọn có tác dụng điều trị nhanh nhưng không được khuyến khích dùng cho rối nhiễu tâm lý là sử dụng thuốc điều trị, bao gồm:
- Thuốc chống trầm cảm được sử dụng để điều trị chứng trầm cảm lâm sàng cũng như điều trị chứng lo âu và một loạt các rối loạn khác.
- Thuốc chống lo âu (bao gồm cả thuốc an thần) được sử dụng cho chứng rối loạn lo âu và các vấn đề liên quan như mất ngủ.
- Thuốc ổn định tâm trạng được sử dụng chủ yếu trong rối loạn lưỡng cực.
- Thuốc chống loạn thần được sử dụng cho các rối loạn tâm thần, đặc biệt là đối với các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt và ngày càng được sử dụng nhiều hơn cho một loạt các rối loạn khác.
Mặc dù các nhóm thuốc thường có tên khác nhau, nhưng tác dụng của thuốc có thể áp dụng cho nhiều loại rối loạn. Những loại thuốc này kết hợp với các phương pháp như liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) được coi là hiệu quả nhất trong điều trị rối nhiễu tâm lý ở trẻ.
4. Liệu pháp nghệ thuật
Việc tham gia vào các hoạt động sáng tạo như vẽ tranh, điêu khắc hoặc nhảy múa giúp trẻ em có cơ hội bộc lộ và giải tỏa cảm xúc một cách tự nhiên. Điều này giúp con xây dựng sự tự tin, giảm bớt căng thẳng và lo lắng.
Liệu pháp nghệ thuật này cung cấp phương tiện giao tiếp giữa trẻ em và các chuyên gia tâm lý. Thông qua việc tạo ra các tác phẩm nghệ thuật, trẻ em có thể diễn đạt những cảm xúc, suy nghĩ và trải nghiệm của mình một cách linh hoạt, giúp chuyên gia hiểu rõ hơn về tâm trạng và nhu cầu của các em.
Nghệ thuật còn tạo ra một môi trường an toàn và thoải mái cho trẻ em để khám phá bản thân và tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề tâm lý. Các em có thể phát triển khả năng tự chăm sóc và xây dựng mối quan hệ tích cực với bản thân và cộng đồng xung quanh.
Phòng ngừa rối nhiễu tâm lý ở trẻ hiệu quả
Đối với trẻ em, việc xây dựng một lối sống lành mạnh và cân bằng như chế độ dinh dưỡng cân đối, giấc ngủ đủ và đều đặn hay hoạt động thể chất thường xuyên là rất quan trọng. Điều này giúp trẻ cải thiện tinh thần, giảm căng thẳng và tăng khả năng chịu đựng.
Cha mẹ cần đặc biệt giáo dục trẻ em về kỹ năng tự chăm sóc như nhận biết và quản lý cảm xúc của mình, suy nghĩ và hành vi tích cực khi gặp phải lo lắng. Thậm chí, việc thúc đẩy các hoạt động như yoga, thiền, thể dục nhẹ cũng có thể giúp trẻ em học cách giảm căng thẳng và tăng cường sức khỏe tâm lý.
Ngoài ra, người lớn nên tạo ra một môi trường gia đình và trường học lành mạnh, không có bạo lực và áp lực quá mức. Đồng thời khuyến khích sự kết nối gia đình và mối quan hệ tích cực của trẻ với thầy cô, bạn bè và người khác.
Điều quan trọng nhất là nhận ra dấu hiệu và triệu chứng của rối nhiễu tâm lý ở trẻ càng sớm càng tốt và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Rối nhiễu tâm lý ở trẻ là một tình trạng sức khỏe có thể ảnh hưởng đến trẻ mà không phân biệt giới tính, đẳng cấp và tín ngưỡng. Là cha mẹ, bạn cần thừa nhận và chấp nhận rằng con mình mắc chứng này để tìm kiếm sự giúp đỡ sớm nhất cho trẻ, giúp con khai thác tối đa tiềm năng của mình trong suốt chặng đường phát triển.
Có thể bạn quan tâm:
- Nhiễu loạn cảm xúc: Triệu chứng, Chẩn đoán, Hướng điều trị
- Các giai đoạn phát triển tâm lý theo lứa tuổi của con người
- 10 Dấu hiệu Tâm lý bất ổn và Cách giúp bạn thoát khỏi hiệu quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!